Thoát nghèo nhờ cây thạch đen
(TN&MT) - Xác định cây thạch đen có giá trị kinh tế cao, là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian qua, huyện Thạch An (Cao Bằng) đã đồng bộ thực hiện các giải pháp mở rộng diện tích, nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm tạo đầu ra ổn định, bền vững cho cây thạch đen, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cây trồng chủ lực để xoá nghèo
Trước đây, thạch đen chỉ mọc dại hoặc được người dân trồng để ăn và không có người thu mua. Trước năm 2016, toàn huyện Thạch An chỉ có khoảng 165ha. Từ năm 2016, theo chủ trương mở rộng diện tích của huyện, thạch đen dần được trồng nhiều hơn. Đến nay, thạch đen đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của Thạch An, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Nhờ đó, người dân không ngừng đẩy mạnh mở rộng diện tích. Đến nay, toàn huyện đã trồng được gần hơn 600 ha tập trung ở các xã Trọng Con, Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng, sản lượng đạt 2.500 tấn.
Hiện, một số xã đã chủ động phát triển cây thạch đen theo chuỗi giá trị hàng hóa. Tiêu biểu tại xã Đức Thông đã hình thành Tổ hợp tác trồng thạch đen.
Chị Nguyễn Thị Hà, một thành viên Tổ hợp tác tại xã Đức Thông cho biết, trước đây, người dân chỉ biết thu hoạch và bán cho thương lái dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị của sản phẩm rất thấp. Trong quá trình trồng, nhiều hộ vẫn sử dụng thuốc diệt cỏ, khi thu hoạch vẫn còn lẫn bùn đất ở trong cây thạch làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Từ khi có Tổ hợp tác trồng thạch đen, cùng với sự phối hợp của các phòng chuyên môn và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, tiêu thụ thạch đen, xã Đức Thông đã dần tạo nên một chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, bao tiêu, chế biến.
Hiện, diện tích trồng thạch đen ở hai xã Đức Thông và Trọng Con chiếm 42% tổng diện tích trồng thạch đen của huyện Thạch An. Thạch đen không chỉ dùng để chế biến, mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và bán cho các cơ sở sản xuất thạch tại địa phương, ngoài tỉnh.
Mang về hàng chục tỷ đồng mỗi năm
Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện Thạch An, với giá bán cây nguyên liệu từ 40-45 nghìn đồng/kg, người trồng có thể thu về 100 triệu đồng/ha, gấp 10 lần trồng lúa nương. Với diện tích trồng lớn, thạch đen mang về khoảng 60-70 tỷ đồng/năm cho huyện Thạch An.
Nhận thấy được thu nhập cao nhờ trồng thạch, lãnh đạo huyện Thạch An đã kết hợp cùng các xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân, đặc biệt là hộ nghèo phát triển trồng cây thạch đen nâng cao thu nhập, qua đó tạo động lực cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. Mỗi năm, huyện giảm trung bình khoảng 5-6% hộ nghèo, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 34%.
Tìm hướng đi bền vững cho cây thạch đen
Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An cho biết, từ năm 2021 đến nay, cây thạch đen đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, địa phương xác định thạch đen là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân. Huyện khuyến khích nông dân, tổ hợp tác, HTX mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng các cơ sở sản xuất sản phẩm thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ quảng bá, sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.
Nếu như trước đây, thạch đen sau khi chế biến chỉ được bày bán tại các chợ trong tỉnh Cao Bằng theo hình thức tự phát, đựng trong những chiếc chậu lớn và cắt ra bán theo nhu cầu của người mua thì nay, sản phẩm thạch đen tại các cơ sở sản xuất đã được đóng hộp để bảo đảm vệ sinh và thuận tiện trong vận chuyển.
Theo đó, mỗi hộp có trọng lượng cụ thể với đầy đủ nhãn mác, giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/hộp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều hộ sản xuất lớn mỗi ngày làm ra từ vài trăm đến hơn 1.000 hộp thạch đen, mang lại nguồn thu không nhỏ. Việc đầu tư cho chế biến thạch cũng giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập từ 30-50% so với chỉ bán thạch thô.
Cây thạch đen được người dân, HTX chế biến thành đồ uống giải khát, chế biến thành thạch đen tươi đóng hộp và bột thạch. Để bảo đảm chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, huyện đã cấp 189 mã số vùng trồng. Đến nay, hầu hết người dân, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện đã nắm rõ quy trình kỹ thuật sản xuất thạch đen và các điều kiện xuất khẩu.
Tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Thạch đen - Thạch An cho các sản phẩm liên quan đến cây thạch đen. Qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến cây thạch đen trên địa bàn có thể dán tem, nhãn hiệu lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng sản phẩm truy xuất nguồn gốc, tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm từ cây thạch đen.
Để nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch, cơ quan chuyên môn của huyện đang đẩy mạnh mở các lớp tập huấn cho bà con. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã mở được gần 10 lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, bảo quản thạch cho người dân. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, huyện đã có 3 HTX là HTX nông nghiệp Xếp Hồng, HTX nông nghiệp Thu Hương và HTX nông nghiệp Nà Pò có chứng nhận mã số vùng trồng.
Theo ông Vũ Đức Thiện, điều quan trọng để nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch đó là chính quyền địa phương phải hỗ trợ được các HTX trồng thạch tiếp tục giữ vững và phát triển thêm diện tích được cấp mã số vùng trồng. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa HTX và ngành chức năng có vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Khi bảo đảm được chất lượng xuất khẩu chính ngạch cây thạch đen một cách bền vững sẽ là một bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện Thạch An nói riêng và của tỉnh Cao Bằng nói chung.