Xã hội

Hà Giang: Hỗ trợ sinh kế, đồng hành cùng phụ nữ biên cương vươn lên thoát nghèo

Thuỷ Nguyễn 30/09/2024 - 22:12

(TN&MT) - Từ ước mơ thoát nghèo, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, những mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ tại một số huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn từng bước khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ

Để phát triển kinh tế cho người dân, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, những năm qua, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình kinh tế giúp chị em thoát nghèo.

uploadfile_000125203.jpg
Mô hình sản xuất các sản phẩm thêu, dệt nhuộm vải lanh truyền thống tại xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

Tiêu biểu làm mô hình sản xuất các sản phẩm thêu, dệt nhuộm vải lanh truyền thống tại xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Từ chỗ trồng lanh, dệt vải theo kiểu thói quen tự nhiên, đến nay, các chị em đã được chú trọng tập huấn, nâng cao tay nghề; dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng; được phân công nhiệm vụ tùy vào khả năng, người dệt, người may, người thêu, người nhuộm... thành một chuỗi sản xuất liên hoàn, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài ra, các thành viên cũng được tập huấn về quá trình sử dụng máy móc an toàn (máy quay, máy sợi, máy dệt, máy may...) và được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ trong quá trình sản xuất và có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền chị em tham gia theo học lớp tập huấn, khóa học dệt từ những người cao tuổi trong xã có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề dệt, thêu lanh và cải tiến mẫu mã thành nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đây.

Nhờ các cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện, hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các lễ hội, hội chợ, khu du lịch… nên sản phẩm lanh của phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang dần có chỗ đứng, nhận được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng.

Đến nay những mô hình kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số đã tạo công ăn việc làm ổn định cho phụ nữ dân tộc Mông, với thu nhập ổn định. Từ một vài sản phẩm thổ cẩm lanh ban đầu, đến nay đã có thêm nhiều sản phẩm như váy, áo, trang phục cách điệu, khăn quàng, ví, túi đeo điện thoại, ba lô, tranh thêu, chiếc móc chìa khóa xinh xắn... trở thành hàng hóa được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Một số sản phẩm lanh đạt OCOCP 3 sao cấp tỉnh.

da_dang_20240807100223.jpg
Gia đình chị Vàng Thị Hằng, thôn Cốc Cọc, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) phát triển đàn dê thương phẩm

Tại Huyện Xí Mần, triển khai phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế”, nhiều hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Cốc Pài đã vượt khó khăn, mạnh dạn đầu tư, triển khai nhiều mô hình hay và có hiệu quả, tận dụng thế mạnh từ nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, quỹ đất của gia đình. Nhờ đó, nhiều hội viên chủ động bàn bạc cùng gia đình và triển khai phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi, trồng cây ăn quả và trồng rau theo mùa... Cho thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên. Cách làm này đang giúp gia đình các hội viên phụ nữ có được nguồn thu nhập ổn định và từng bước nâng cao đời sống.

Tại huyện Vị Xuyên, gương người phụ nữ dân tộc Tày với mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp trồng trọt tại thị trấn Vị Xuyên cũng là điển hình tiêu biểu của phụ nữ Hà Giang làm giàu.

Nhờ diện tích đất đồi rộng, từ đầu năm 2014, chị Hoa dân tộc Tày, ngụ tại tổ 11, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên đã cùng với gia đình đầu tư trồng trên 1ha cam sành và gần 1ha cam ngọt trên vườn đồi của gia đình. Để lấy ngắn nuôi dài và tận dụng đất trống khi cam chưa giao tán, chị đã đầu tư trồng lạc và đậu tương trong vườn cam góp phần cải tạo, làm tăng độ phì nhiêu của đất vườn.

Sau hơn 5 năm, vườn cam đã cho thu hoạch sản phẩm đầu tiên. Đến năm 2020, với tiền thu được từ bán cam, chị Hoa tiếp tục đầu tư mua thêm trâu giống về nuôi và mở rộng quy mô chuồng trại để đầu tư nuôi thêm lợn thương phẩm. Để tận dụng nguồn nước suối chảy qua đất vườn, gia đình chị đã đầu tư đào hơn 1.000 m2 ao thả cá. Nhờ biết phối hợp phát triển kinh tế giữa chăn nuôi kết hợp với trồng trọt nên các diện tích cam của gia đình chị Hoa phát triển tốt, cho năng suất và sản lượng ngày càng cao. Bên cạnh đó, trong chăn nuôi, chị thường duy trì từ 4 - 5 con trâu, mỗi năm xuất bán từ 2 – 3 con và sau đó mua bổ sung trâu non hoặc trâu gầy yếu về nuôi vỗ béo.

Từ năm 2021 đến nay, bình quân thu nhập từ cam đạt khoảng 1,1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi mỗi năm khoảng 850 triệu đồng.

cam-sanh-co-gai-dao.png
Mô hình trồng cam sành của chị em phụ nữ Hà Giang

Những mô hình phát triển kinh tế của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Giang cho thấy đó không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công bán ra thị trường, mà còn là môi trường lưu giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, đồng thời nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Từ thực tiễn trên cho thấy “xã hội muốn tiến lên thì phụ nữ phải có việc làm”, phát huy được năng lực và có nguồn thu nhập ổn định, qua đó bình đẳng giới cũng được phát huy, bạo lực gia đình cũng giảm bớt, người phụ nữ có vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho kinh tế địa phương.

Đồng hành cùng phụ nữ vùng cao giảm nghèo

Theo bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang, để thiết thực hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế để nâng cao vị thế trong gia đình, Hội đã phối hợp tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; tập hợp những kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em để từng bước giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩn nông sản và khảo sát, thí điểm hỗ trợ phát triển sinh kế.

Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ khơi dậy tinh thần phát huy được năng lực và có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho kinh tế địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Hỗ trợ sinh kế, đồng hành cùng phụ nữ biên cương vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO