Thanh Hóa: Tăng cường phòng ngừa các vi phạm về môi trường trong hoạt động xử lý chất thải
(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừ có Công văn số 1941/UBND-NN giao Công an tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường phòng ngừa các vi phạm về môi trường trong hoạt động xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh nhận được Công văn số 271/CSKT ngày 21/01/2025 của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh về việc khắc phục nguyên nhân, điều kiện và phòng ngừa tội phạm môi trường; trong đó, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và quản lý đất đai ở địa phương; trên cơ sở báo cáo và đề xuất tại Công văn số 1036/STNMT-BVMT ngày 12/02/2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; nhất là các hành vi vi phạm lắp đặt đường ống xả thải trái phép ra môi trường, vận hành công trình xử lý chất thải không đúng quy định, chôn lấp chất thải trái phép, xả thải chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đối với các vi phạm có dấu hiệu tội phạm về môi trường cần khẩn trương đấu tranh, truy tố, xử lý nghiêm minh.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6096/UBND-NN ngày 04/5/2024 về việc nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các cơ sở theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đã được phê duyệt, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; thường xuyên rà soát các cơ sở có phát sinh nguồn thải lớn, yêu cầu khẩn trương lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống quan trắc môi trường tự động đối với nước thải, khí thải và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt chấp hành đầy đủ các quy định trong xử lý chất thải.
Giao UBND các huyện thị, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, môi trường kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi của các tổ chức, cá nhân trong việc xử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất, có các hành vi về bảo về bảo vệ trường và các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.