Hải Dương: Ban hành danh mục trồng các loại cây lâm nghiệp
(TN&MT) - Để đảm bảo loại cây trồng mang lại lợi ích, vẻ đẹp cảnh quan môi trường… tỉnh Hải Dương đã ban hành danh mục loài cây lâm nghiệp sinh trưởng nhanh, sinh trưởng chậm, cây mục đích, cây phi mục đích; đối với khu di tích, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, cây trồng phân tán trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tỉnh Hải Dương ưu tiên một số loại cây được trồng tại các khu di tích, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, được trồng cây: Thông, sao đen, lim, dẻ ăn hạt. Khu di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An, được trồng cây: Thông, sao đen, lim, long não. Khu di tích lịch sử chùa Thanh Mai, được trồng cây: Phong, dẻ ăn hạt, sưa, lim. Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Cao An Phụ, được trồng cây: Thông, lim, sao đen, long não.
Rừng đặc dụng tại TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn, được trồng cây: Thông, lim, lát hoa, sao đen, sồi phảng, sưa, phong hương, vù hương, giổi xanh. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, cảnh quan, được trồng cây: Thông, lát hoa, lim, trám, giổi xanh, chò chỉ. Rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, được trồng cây: Chò chỉ, giổi, kháo, lát hoa, lát Mexico, ngát, nhội, sao đen, sồi phảng, sưa, thông, trám, vạng trứng, vối thuốc, vù hương, dẻ ăn hạt, long não.

Việc tỉnh Hải Dương quy định được trồng các loại cây này, để thực hiện các biện pháp lâm sinh, chăm sóc; nuôi dưỡng rừng trồng phù hợp từng loài cây, lựa chọn các loài cây trồng lâm nghiệp hiệu quả.