Môi trường

Điện Biên: Canh tác lúa thông minh giảm phát thải nhà kính

Trần Hương 18/02/2025 - 12:22

(TN&MT) - Một trong những giải pháp đang được ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên quan tâm là nâng cao kỹ thuật canh tác, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bán tín chỉ carbon trong sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng Mường Thanh.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đang thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải nhà kính. Ngoài việc giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, tăng lợi nhuận khi thực hiện mô hình, người dân được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị sản phẩm và bán được tín chỉ carbon, góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các công ty: NetZero Carbon; BSB Nanotech và Spiro Carbon (gọi tắt là BNS) thực hiện tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo. Tổng diện tích thực hiện mô hình 86ha, vượt 20ha so với kế hoạch đề ra. Trong đó: Huyện Điện Biên 53ha; Mường Ảng 23ha và Tuần Giáo 10ha.

images3235033_kt.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Điện Biên kiểm tra mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính tại đội Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương.

Toàn bộ diện tích canh tác lúa thông minh được áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng đầu vào và đầu ra vừa tăng năng suất vừa đảm bảo ổn định độ phì nhiêu đất; rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ (AWD); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Việc canh tác đúng theo quy trình ướt - khô xen kẽ, đồng thời kết hợp với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo sẽ giúp người dân có thể giảm được lượng phát thải từ 3,5 - 4 tấn/ha/vụ lúa. Mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng và giá trị lúa gạo, bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon với giá 20USD/tấn giảm phát CO2e (1 tín chỉ carbon quy đổi).

img_0114_bi0cidniducuor1g.jpg
Ông Trần Minh Tiến - TGĐ Cty CP Netzero Carbon Việt Nam (ở giữa) cùng các chuyên gia giới thiệu các quy trình canh tác lúa thông minh giảm phát thải nhà kính.

Cùng với đó, tham gia dự án, người nông dân được hỗ trợ: Chế phẩm ECO – OK; phân bón trung vi lượng Cherry; chế phẩm vi sinh; công nghệ đo lường phát thải khí mê tan trong quá trình canh tác lúa và báo cáo lượng khí giảm phát thải CO2e quy đổi; được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải nhà kính.

Ông Phạm Đình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, cho biết: Việc áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh theo hướng giảm phát thải khí nhà kính vào sản xuất đã tận dụng được nguồn phân hữu cơ, giảm chi phí đầu tư: giống, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, đem lại hiệu quả cao về các mặt: kinh tế, kỹ thuật, xã hội và thân thiện môi trường, từng bước giúp nông dân cải tiến kỹ thuật trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, khi kết thúc vụ sản xuất lúa, ngoài bán hạt lúa chất lượng cao thì nông dân còn có nguồn thu nhập khác từ việc bán tín chỉ Carbon nhờ canh tác giảm phát thải khí nhà kính.

img67602025-02-11-54-copy-2025-02-11-1520250211155751.5119290.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật và nhân rộng mô hình trong các vụ lúa tiếp theo.

Đồng thời, tuyên truyền đến các hộ dân tham gia dự án về hiệu quả kinh tế, môi trường của mô hình so với hình thức canh tác truyền thống, khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ quy trình kỹ thuật và từng bước nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức, trong việc tiếp cận với phương pháp canh tác lúa thông minh, giảm phát thải Cacbon, phương pháp, cách thức tiến hành ở các huyện, để mở rộng được mô hình sản xuất bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính thì cần có những chính sách hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm để hoàn thiện quy trình sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới để áp dụng rộng rãi vào sản xuất.

Tại đội Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, mô hình lúa thông minh sinh trưởng, phát triển tốt, người dân tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn. Chị Nguyễn Thị Châm là một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: Gia đình tôi tham gia mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính với trên 1 ha. Ban đầu lúc mới nghe thì thấy cách làm này phức tạp, kỳ công nhưng khi được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn, giờ gia đình tôi đã biết tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, cây phân xanh rồi dùng chế phẩm vi sinh ủ phân hữu cơ và ủ phân chuồng hoai mục. Gia đình tôi vừa tăng cường bón phân hữu cơ, giảm chất hóa học, tiết kiệm chi phí lại giảm ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Canh tác lúa thông minh giảm phát thải nhà kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO