"Thời điểm vàng" chống ô nhiễm không khí
(TN&MT) - Ô nhiễm không khí có tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, không những thế, ô nhiễm không khí còn gây những tác hại chưa thể đo đếm đối với các lĩnh vực khác như du lịch, kinh tế...
Đối mặt với vấn đề này, nhiều nước trên thế giới đã “tuyên chiến” với ô nhiễm không khí và rút ra được những bài học kinh nghiệm. Đối với Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, cần xem thời điểm ô nhiễm không khí chạm mức kỷ lục hiện nay là “thời điểm vàng” để chống lại ô nhiễm không khí.
Các nước “tuyên chiến” với ô nhiễm không khí
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT, hiện nay các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), các thông số NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Ô nhiễm có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10 - 11 của năm trước, kéo dài tới tháng 3 - 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông cao và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày, mức độ ô nhiễm cũng dao động, tập trung vào 6 - 8h sáng và 17 - 19h chiều.
![z6245886847342_e546d4698e0e49a3d35a5282cca0a11b.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/z6245886847342_e546d4698e0e49a3d35a5282cca0a11b.jpg)
Liên tục những ngày cuối năm 2024, đầu năm 2025, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng môi trường không khí (AQI) ở ngưỡng cao, rất có hại cho sức khỏe con người. Thậm chí, có những ngày, Hồ Tây (Hà Nội) có chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nâu - mức nguy hại cho sức khỏe con người.
Đưa ra những ý kiến về vấn đề ô nhiễm không khí, PGS.TS. Lý Bích Thủy, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, Bắc Kinh đã rất thành công trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí (bụi mịn) mặc dù có điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Năm 2013, mức độ ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc nghiêm trọng nhất. Đặc biệt, ngay từ đầu năm đã liên tục xảy ra những đợt ô nhiễm không khí trên diện rộng, tần suất dày đặc, khi nồng độ bụi mịn PM2.5 bình quân tháng gần chạm mức 160 µg/m3. Trong khi đó, chỉ số PM2.5 bình quân năm 2013 của thành phố Bắc Kinh là 89,5 µg/m3, vượt mức tiêu chuẩn quốc qia 35 µg/m3 tới 156%. Tuy nhiên, nhờ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giai đoạn 2013 - 2017 tập trung xử lý nguồn phát thải công nghiệp và đốt than; giai đoạn 2018 - 2020 đẩy mạnh giải quyết vấn đề ô nhiễm từ phát thải giao thông, sau 5 năm triển khai, chất lượng không khí của thành phố Bắc Kinh được cải thiện rõ rệt. Nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 35,6% so với năm 2013; số ngày ô nhiễm nặng giảm 60%.
![z6236764072879_f961eebbe5bdd1557b35e8006f1e437e.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/z6236764072879_f961eebbe5bdd1557b35e8006f1e437e.jpg)
Những chìa khóa cho thành công của Bắc Kinh bao gồm mục tiêu rõ ràng; một loạt các biện pháp kiểm soát hiệu quả với các nguồn thải lớn như nhiệt điện, công nghiệp, giao thông, xây dựng, đốt hở; phương pháp thực thi các biện pháp kiểm soát hiệu quả sáng tạo với trách nhiệm thực thi cao; cùng với nền tảng khoa học và công nghệ được hỗ trợ phát triển mạnh mẽ.
Tương tự Bắc Kinh, đẩy lùi ô nhiễm không khí từ lâu đã trở thành một trong những ưu tiên hành động của Chính phủ Thái Lan, đặc biệt từ khi vấn đề bụi mịn PM2.5 gây ra những hậu quả nghiêm trọng và được chú ý từ năm 2019. Trong các biện pháp mà Thái Lan áp dụng, nổi bật là kế hoạch hành động quốc gia Giải quyết vấn đề ô nhiễm bụi mịn giai đoạn 2019 - 2024.
“Thời điểm vàng” để tập trung nguồn lực
Ô nhiễm không khí có tính chất theo mùa, tuy nhiên, chưa bao giờ mức độ ô nhiễm chạm mức kỷ lục như hiện nay. TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây chính là “thời điểm vàng” để thu hút sự chú ý và tạo sự đồng thuận cao về vấn đề xưa nay vốn bị coi nhẹ này, từ đó, xác định và triển khai khẩn trương những giải pháp cấp bách và lâu dài.
Ông Tùng cho biết, những khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm không khí đó là tắc nghẽn về thể chế, thiếu nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn nặng về tiền kiểm thay vì hậu kiểm, thiếu dữ liệu khoa học, chưa xác định rõ trách nhiệm liên quan của các đối tượng có phát sinh nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí…
Chi phí giải quyết ô nhiễm không khí là rất lớn. Nếu vấn đề không được giải quyết và tiếp diễn trong tương lai, chi phí sẽ tích tụ theo từng năm. Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra những tác hại nhãn tiền đối với con người, mà xa hơn, nguồn nhân lực của đất nước sẽ suy giảm nếu ô nhiễm không khí tiếp tục gây hại cho sức khỏe của các thế hệ tương lai.
Từ bài học kinh nghiệm của các nước, Theo ông Tùng, tuy đã thực hiện rất nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, nhưng các biện pháp triển khai tại Việt Nam còn dàn trải, chưa có ưu tiên và chưa thực sự quyết liệt. Vì vậy, ông Tùng cho rằng, yếu tố quyết định thành công trong cuộc chiến với ô nhiễm không khí là quyết tâm chính trị và nguồn lực hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý về ô nhiễm không khí chưa được phân cấp tới từng cấp phường, xã dẫn đến trách nhiệm giải trình còn thấp. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí hiệu quả, không chỉ trông chờ trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, chính quyền sở tại mà phải có sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp bởi ô nhiễm không khí tác động chung tới tất cả mọi người. Cần tận dụng “thời điểm vàng” để huy động toàn bộ lực lượng tham gia vào cuộc chiến với ô nhiễm không khí, bởi nếu càng để chậm, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng.