Điện Biên triển khai sâu rộng phân loại rác thải rắn tại nguồn
(TN&MT) - Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Theo đó, tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định số 08/2024/QĐ-UBND về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác phân loại rác tại nguồn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm: Chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rác thải hữu cơ... được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải vô cơ).

Đồng thời, quy định xử phạt đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Quy định mức phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình và cá nhân không thực hiện phân loại rác thải theo quy định. Thực tế đến thời điểm này, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Điện Biên, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, đa số người dân vẫn chưa quan tâm đến việc phân loại rác tại nguồn.
Ông Đỗ Ngọc Tú - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Những năm qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản về triển khai, cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tổ chức, tuyên truyền hưởng ứng các ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...
Đối với việc phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Phòng đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn phân loại rác thải rắn tới các xã, phường, tổ dân phố, các đơn vị vận hành, thu gom rác thải trên địa bàn thành phố để tuyên truyền cho người dân nắm bắt được chủ trương, biết cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn chỉ được một bộ phận nhỏ người dân thực hiện, còn lại đa số vẫn chưa quan tâm tới việc này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động phân loại rác thải tại nguồn còn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Trong đó, công tác chỉ đạo, triển khai và hoạt động truyền thông về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa thật hiệu quả; các địa phương thiếu sự đôn đốc, quyết liệt và nghiêm túc khi chưa xem hoạt động phân loại rác tại nguồn là thiết thực; phần lớn người dân chưa nhận thức được phân loại rác tại nguồn là cần thiết và ích lợi cho môi trường nên chưa duy trì hoạt động này bền vững. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc thiếu đồng bộ trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại, dẫn đến tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chưa đạt như mong muốn.
Phân loại rác tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Để đạt được mục tiêu 100% xã, phường trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định, điều này đòi hỏi các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền và phải có chế tài để xử lý khi các tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; đặc biệt là người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Tại xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ, để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, UBND xã đã truyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn lồng ghép trong các cuộc họp giao ban xã, sinh hoạt đoàn thể, chi bộ, bản nhằm nâng cao ý thức, hình thành thói quen của người dân; vận động thường xuyên, liên tục bằng hình thức phù hợp để người dân, hộ gia đình và các tổ chức thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã, trưởng bản... trong việc phân loại rác tại nguồn.
Ông Cà Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Khoang, cho biết: Phân loại rác tại nguồn không chỉ giảm lượng rác thải, tiết kiệm chi phí xử lý mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, cộng đồng trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Trước đây, người dân sau khi sử dụng chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật thường vứt luôn tại kênh mương, bờ ruộng và vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi. Đến nay, người dân không còn vứt rác bừa bãi, thay vào đó mỗi hộ gia đình tự trang bị cho mình một thùng đựng rác. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn, đa số người dân trên địa bàn xã vẫn chưa thực hiện được, hầu hết vẫn có thói quen gom chung rác vào thùng rồi mang đến điểm thu gom. Vì vậy, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.