Việt Nam nói không với ngà voi trái phép
(TN&MT) - Đó là thông điệp mạnh mẽ mà chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho khách du lịch về phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam sẽ truyền tải tới khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế.
Loài voi có thể tuyệt chủng trong tương lai không xa
Theo số liệu Hệ thống thông tin về buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi (ETIS), tổng khối lượng ngà voi bị phát hiện và bắt giữ từ năm 2008 cho đến nay là hơn 70 tấn. Trong đó, Việt Nam được coi là một trong các điểm nóng trung chuyển ngà voi toàn cầu. Đầu năm 2023 và 2024, các cơ quan đã phát hiện 4 vụ liên tiếp với tổng khối lượng ngà voi bị tịch thu là hơn 8 tấn. Các lô hàng này được trung chuyển qua nhiều quốc gia trước khi bị bắt giữ.

Voi châu Á và voi châu Phi đều được CITES bảo vệ ở mức cao nhất (Phụ lục I) ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Tại Việt Nam, loài thú này cũng được đưa vào Nhóm I Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Nhưng điều này cũng phản ánh một thực trạng: voi là một trong những loài động vật bị săn bắt, giết hại nhiều nhất trên toàn cầu.
Ông Chu Ngọc Quân -
Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam
Tổ chức Bảo tồn WWF-Việt Nam tổng hợp số liệu từ các nguồn cho biết, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc là điểm đến của 90% tổng khối lượng ngà voi châu Phi bị bắt giữ trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam được coi là điểm trung chuyển nổi cộm nhất trong chuỗi cung ứng, chiếm 34% tổng khối lượng ngà voi nhập cảng bị phát hiện và có vụ bắt giữ buôn lậu ngà voi lớn nhất thế giới vào năm 2019. Những lô hàng ngà voi sau đó sẽ tiếp tục được chuyển tới những quốc gia tiêu thụ chính như Trung Quốc và Hoa Kỳ, một số sản phẩm trong nước thông qua hình thức buôn bán qua mạng tới tay người tiêu thụ nội địa và du khách nước ngoài.
Hoạt động du lịch là một trong những nơi "thu hút" vận chuyển, mua bán trái phép ngà voi. Một số điểm du lịch vẫn còn hiện tượng bày bán, chào mời các sản phẩm động vật hoang dã (trong đó có các sản phẩm chế tác từ ngà voi). Việc đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách du lịch đã làm gia tăng nạn mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã, góp phần đẩy nhiều loài quý hiếm đến bờ vực tuyệt chủng.
Theo WWF-Việt Nam, nhiều du khách có kiến thức pháp lý sai lệch khi cho rằng việc mua ngà voi tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp. Với khả năng trực tiếp tác động lên hành vi của du khách, các doanh nghiệp du lịch cần có trách nhiệm điều hướng và cung cấp kiến thức để du khách tránh khỏi những hành vi phạm pháp và có hại cho thiên nhiên trong chuyến đi của mình.
Thông điệp mạnh mẽ
Ông Chu Hồng Quân - Phó Giám đốc Cơ quan thực thi CITES Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi để các đối tượng duy trì thị trường động vật hoang dã, trong đó có ngà voi. Bởi thế, Việt Nam đã triển khai một số hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch vì thiên nhiên. Dự án Giảm cầu ngà voi được khởi động cách đây 2 năm đã hướng đến doanh nghiệp, bao gồm tổ chức những lớp tập huấn về quy định CITES và thực hành du lịch có trách nhiệm; các buổi tọa đàm chia sẻ kiến thức và ký cam kết thực hành du lịch có trách nhiệm với doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Theo ước tính của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), quần thể voi châu Phi ước tính đã giảm xuống từ 1.300.000 cá thể năm 1979 xuống còn 415.000 cá thể vào năm 2016.
Trong khi đó, với voi châu Á, tính đến năm 2018, thế giới chỉ còn khoảng 50.000 cá thể sinh sống ngoài tự nhiên. Với tốc độ này, loài voi có thể tuyệt chủng hoàn toàn chỉ trong tương lai không xa.
"Tuy nhiên, trước xu hướng du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, những phương pháp truyền thông có độ phủ rộng hơn cần được áp dụng để dễ dàng tiếp cận nhóm du khách quốc tế và ngăn chặn hành vi mua bán các sản phẩm từ ngà voi tại Việt Nam", ông Quân cho biết.
Để tăng tiếp cận với khách du lịch, WWF-Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam vừa khởi động dự án "Truyền thông nâng cao nhận thức cho khách du lịch về phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam". Thông qua dự án, các nhà bảo tồn nhấn mạnh: Các hoạt động xử lý, mua bán và trao đổi ngà voi là hành vi trái pháp luật và không được chấp nhận ở Việt Nam.
Theo ông Thibault Ledeqc, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam, dự án mong muốn tạo đòn bẩy giúp thay đổi nhận thức từ ngành du lịch.
"Cách hoạt động mua bán ngà voi trong từ du lịch phải được báo cáo. Qua đó, chúng tôi muốn giảm xu hướng mua bán ngà voi từ ngành này. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan trong vấn đề này, từ chính phủ đến du lịch, cho các tổ chức phi chính phủ khác nhau để không còn tình trạng buôn bán, mua bán ngà voi vì lợi ích của thế giới và cả Việt Nam", ông Thibault Ledeqc chia sẻ.
Thời gian thực hiện dự án là từ tháng 1 - 3/2025. Trong đó, dự án sẽ trình chiếu hình ảnh và phát đi thông điệp: "Việt Nam kiên quyết nói không với ngà voi; mọi hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh".
Hình ảnh và áp phích sẽ được chiếu ở 4 sân bay quốc tế của Việt Nam, nơi có nhiều khách du lịch qua lại và tại 4 thành phố lớn về du lịch bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và TP.HCM.