Khoáng sản

Sóc Trăng quản lý khoáng sản: Đảm bảo phục vụ công trình, dự án

Lê Hùng 05/03/2024 - 11:45

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo vệ khoáng sản, đảm bảo vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Triển khai nhiều giải pháp

Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên nhu cầu về nguồn cát làm vật liệu san lấp mặt bằng tương đối lớn. Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, để thực hiện công tác san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; trục đường hướng Bắc - Nam kết nối từ chân cầu Đại Ngãi; khu bến cảng Trần Đề phải cần khoảng 250 triệu m3 cát.

9b.jpg
Để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác, bảo vệ khoáng sản, trong thời gian qua cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng thường xuyên khảo sát, điều tra các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Để góp phần đảm bảo nguồn cát phục vụ cho các công trình nêu trên, vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai bàn giao một số mỏ cát sông thuộc địa bàn các huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, Trần Đề với tổng trữ lượng hơn 11,3 triệu m3cho doanh nghiệp để tiến hành khai thác. Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, các mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường mới bàn giao cho doanh nghiệp khai thác nằm trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023, đáp ứng loại vật liệu dùng đắp nền đường.

Bên cạnh đó, thực hiện dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, vào cuối năm 2023, Bộ TN&MT đã bàn giao kết quả đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng với khối lượng khoảng 680 triệu m3 cát biển. Theo đánh giá của của lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, với khối lượng cát biển tại khu vực B1 sẽ đảm bảo vật liệu san lấp mặt bằng không chỉ cho các dự án đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng mà cho cả vùng ĐBSCL.

Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đã được cấp mỏ cát sông hoàn tất những thủ tục cần thiết để tiến hành khai thác cát. Đối với việc khai thác cát biển, sau khi tiếp nhận kết quả điều tra giai đoạn 1 của dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng cũng đã có những buổi làm việc với bộ, ngành có liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn tất các thủ tục cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật nhằm sớm bàn giao vị trí mỏ cát để khai thác, góp phần phục vụ san lấp mặt bằng công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Tăng cường quản lý, bảo vệ

Song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục tiến hành khai thác cát sông, cát biển phục vụ hạng mục san lấp công trình, dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Sóc Trăng cũng đã và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm quản lý, khai thác và bảo vệ hiệu quả khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.

Đồng thời, triển khai lập quy hoạch, điều tra, thăm dò tài nguyên khoáng sản trên các sông, kênh, khu vực ven biển; siết chặt công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản. Các khu vực cấp phép hoạt động khoáng sản đều nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không thuộc khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đã xây dựng phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản; quy định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành danh mục vị trí, khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 6.333 khu vực, vị trí cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích hơn 93.363ha, trong đó có 6.296 khu vực, vị trí cấm hoạt động khoáng sản.

Song song đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, qua đó xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân, đưa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả; đồng thời, tỉnh Sóc Trăng chủ động phối hợp với các địa phương giáp ranh tổ chức kiểm tra hoạt động khoáng sản trên các lưu vực sông liên tỉnh để kịp thời ngăn chặn các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, góp phần hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông cũng như gây thất thoát khoáng sản.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; thường xuyên theo dõi, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra sai phạm về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản của người dân, doanh nghiệp; đồng thời thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng quản lý khoáng sản: Đảm bảo phục vụ công trình, dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO