Khoáng sản

Đảm bảo nguồn cung vật liệu cho các dự án trọng điểm tại Quảng NgãiBài 2: Gỡ “nút thắt” để tăng tốc

Võ Hà - Lan Anh- Đông Duy 27/04/2024 - 16:27

Tổng nhu cầu vật liệu cho tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua Quảng Ngãi là khoảng 13 triệu m3. Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), Tập đoàn Đèo Cả (tổng thầu thi công) đã tích cực phối hợp, vượt qua khó khăn, giải quyết nhiều vướng mắc để giải bài toán cung ứng nguồn vật liệu cho dự án Cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

Giải phóng mặt bằng tại các mỏ khoáng sản vẫn là vướng mắc

Mỏ đất Núi Truông Ổi quy mô khoảng 22,81 ha với trữ lượng gần 1 triệu m3 và là mỏ đất chính để thi công đoạn đầu tuyến của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp Giấy phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng đối với điểm mỏ này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Dacinco (nhà thầu thi công đoạn tuyến Km0+00 -Km3+450 thuộc Gói XL1 của dự án). Mỏ đất này có thời gian khai thác đến hết tháng 12/2025.

caotoc1(1).jpg
Tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép khai thác 7 mỏ đất, với trữ lượng 5.318.728 m3 để phục vụ thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn

Sau đó, doanh nghiệp đã thực hiện xong công tác rà phá bom mìn trên toàn bộ phạm vi mỏ đất và được tư vấn giám sát chấp thuận vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu vẫn không thể tiến hành khai thác do chưa hoàn thành công tác thoả thuận đền bù giữa các hộ dân có đất và tài sản trên đất trong phạm vi mỏ Truông Ổi. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc kiểm đếm cây cối, hoa màu trên đất và chưa thoả thuận.

Đại diện nhà thầu cho biết, dù dự toán chỉ cho phép bồi thường hơn 400 triệu/ha, nhưng đơn vị đã linh động hết mức và đồng ý chi trả 500 triệu/ha để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ lại đòi tới 1,3 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, sau khai thác đất, hạ độ cao sẽ được trả lại cho người dân, chứ không thu hồi. Đồng thời, nhà thầu chỉ lấy đất theo cao độ cho phép trong vòng 2 năm, sau đó người dân vẫn tiếp tục canh tác trên đất bình thường, diện tích vơi đi không nhiều. Nhà thầu thông tin thêm, hiện chỉ giải phóng mặt bằng được 7/22 ha, còn lại chủ sử dụng đất của 15 ha kiên quyết không chấp thuận phương án đền bù.

caotoc5.jpg
Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn sau một năm triển khai đã hình thành "đường nét"

Theo báo cáo của liên danh nhà thầu, tổng nhu cầu vật liệu đắp cần cho đoạn tuyến từ Km0+00 – Km5 là khoảng 1,4 triệu m3. Hiện nay, các nhà thầu phải sử dụng đất đắp từ một số mỏ khác trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa với cự ly vận chuyển xa gấp nhiều lần, đội chi phí rất cao so với dự toán. Tuy nhiên, năng lực cung ứng của những mỏ này lại có hạn, không thể đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp cho gói thầu, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tổng thể.

Tháo gỡ những “rào cản” tiến độ

Theo ông Mạnh Đức Huy, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Ban Quản lý dự án 2 – Bộ GTVT), đến nay Chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ, cấp phép khai thác 7 mỏ đất, trong đó có 4 mỏ đang khai thác (Mễ Sơn, Núi Thị 1, Núi Thị 2 và Đồi Dốc Cao) với tổng trữ lượng khoảng 2,93 triệu m3; 3 mỏ chưa khai thác (Truông Ổi, Bren và Đồi Dốc Cộ) với tổng trữ lượng khoảng 2,39 triệu m3.

ong-huy.jpg
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với địa phương và chủ đầu tư thi công dự án cao tốc

Đại diện Chủ đầu tư nhận định, để đáp ứng mục tiêu hoàn thành tuyến cao tốc đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 2 và nhà thầu thi công thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương để sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản phục vụ thi công Dự án. Trong quá trình triển khai, Ban đã thường xuyên chỉ đạo nhà thầu chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu đất đắp bổ sung. Trên cơ sở đề xuất của nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra đánh giá chất lượng nguồn vật liệu, Ban đã tổng hợp trình Sở TN&MT và UBND tỉnh xem xét chấp thuận.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu cho dự án. Ông Mạnh Đức Huy lấy ví dụ về mỏ mỏ đất Truông Ổi được quy hoạch để cung cấp cho đoạn Km0+000 – Km5+000, đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi có Bản xác nhận nhưng đến nay nhà thầu thi công chưa thể thỏa thuận thống nhất giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Ban đã chỉ đạo nhà thầu thi công chủ động sử dung mỏ đất Tân Lập (mỏ thương mại, trữ lượng còn lại hạn chế và cự ly vận chuyển khoảng 20km, xa hơn dự toán khoảng 10km) và mỏ Mễ Sơn (mỏ cấp cho nhà thầu thi công, cự ly vận chuyển khoảng 25km). Do vậy, phạm vi trên còn thiếu vật liệu so với nhu cầu khoảng hơn 800.000m3.

caotoc1.jpg
Để giải bài toán vật liệu làm cao tốc, cần có sự chuẩn bị chu đáo cũng như phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, một số mỏ không đảm bảo chất lượng, một số mỏ vướng các di tích lịch sử, Ban đã đề xuất bổ sung 3 mỏ đất giao cho nhà thầu khai thác với tổng trữ lượng khoảng 2 triệu m3; 2 mỏ đất thương mại vừa được UBND tỉnh cấp phép khai thác (mỏ đất Núi Bé, mỏ đất cụm công nghiệp An Sơn).

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trữ lượng đã được cấp phép là 5,3m3 đất và 0,24 triệu m3 cát. Nhưng chi phí đền bù của một số mỏ cao hơn so với quy định (khoảng 3 lần), không có đường tiếp cận, dẫn đến thực tế trữ lượng mỏ đang được khai thác chỉ đạt 3,2/5,3 triệu m3 đất và 0,1/0,24 triệu m3 cát.

“Theo thiết kế kỹ thuật thì Dự án sẽ tận dụng 90% đá từ đào hầm để phục vụ công tác bê tông xi măng, cấp phối đá dăm và vật liệu đắp nền đường. Tuy nhiên, điều kiện địa chất hầm 2, hầm 3 thay đổi sai khác so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật (khác với hồ sơ mời thầu ban đầu) dẫn tới thiếu nguồn vật liệu tiến độ dự án được phê duyệt, nhà thầu phải bỏ kinh phí để mua từ các mỏ thương mại trong khi chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh thiết kế mất nhiều thời gian.”- ông Huy chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị địa phương và Chủ đầu tư đồng hành cùng nhà thầu trong công tác giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu, đường tiếp cận. Cùng với đó, Bộ GTVT và các cơ quan chuyên môn điều chỉnh đơn giá đất/cát/đá theo thực tế về giá trị mở mỏ, khai thác, cự ly vận chuyển, thuế phí,… để phù hợp với thực tế hiện trường.

Bài 3: Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vật liệu khai thác để phục vụ dự án

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo nguồn cung vật liệu cho các dự án trọng điểm tại Quảng Ngãi Bài 2: Gỡ “nút thắt” để tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO