Chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu: Nâng giá trị tài nguyên khoáng sản
(TN&MT) - Nghệ An là tỉnh có nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như đá hoa trắng, quặng thiếc… Đặc biệt, khai thác, chế biến, xuất khẩu đá trắng đem lại nguồn thu không nhỏ cho tỉnh. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị khoáng sản đang trở thành xu thế trong điều kiện tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt.
Thế mạnh đá trắng
Nhiều năm trước, đá trắng dạng thô từ huyện vùng cao Quỳ Hợp xuất khẩu sang các nước trên thế giới không mang lại giá trị kinh tế cao do chưa được chế biến sâu, gây lãng phí tài nguyên. Vì thế, chế biến sâu, một mặt tăng giá trị xuất khẩu cho khoáng sản, mặt khác giải quyết được tình trạng “bán non” tài nguyên.
Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu đá trắng là dấu hiệu rất đáng mừng. Bởi lẽ, trước đây khi chưa có nhà máy chế biến, nhiều đá xấu bị thải loại vì không bán, không xuất được, trong khi công tác quy hoạch bãi thải sử dụng cho hoạt động thải loại còn bất cập, khó khăn. Các nhà máy chế biến sâu được xây dựng ở địa phương vừa giúp tiết kiệm được nguồn tài nguyên đá trắng, vừa giúp nâng cao giá trị sản phẩm gấp nhiều lần so với khoáng sản thô. Đồng thời tạo nguồn việc làm dồi dào cho lao động địa phương.
Ông Lê Quang Huy - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An
Theo Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, hiện địa phương có hàng trăm giấy phép khai thác khoáng sản như đá hoa trắng, quặng thiếc, khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho đến các loại đá quý, vàng…, tuy nhiên, tập trung chủ yếu ở 2 loại khoáng sản chủ lực là quặng thiếc và đá trắng. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đá hoa trắng cũng chiếm hàng trăm triệu USD trong tổng số cán cân xuất khẩu, đạt cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Nghệ An là khoảng 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, có một điều còn thấy rõ là dù được cải thiện nhưng tỷ lệ đá thô xuất khẩu vẫn nhiều gấp đôi đá đã qua chế biến.
Bắt buộc phải xuất khẩu thô vì có những chủng loại Việt Nam không thể chế biến được. Đây là nguyên nhân chính được hầu hết các doanh nghiệp nêu ra. Tuy nhiên, còn những lý do khác cũng quan trọng không kém như câu chuyện thị trường, hay chất lượng khoáng sản của từng mỏ mà doanh nghiệp được khai thác cũng được nêu ra.
Công ty TNHH Khoáng sản Long Anh (Quỳ Hợp), có sản phẩm xuất khẩu từ năm 2006. Từ năm 2020, Công ty đã có sản phẩm được thị trường Mỹ chấp nhận. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, số lượng đá xuất khẩu của Long Anh vẫn chưa hoàn toàn là sản phẩm tinh.
Đại diện Công ty Long Anh cho hay: Trong ngành sản xuất đá này có 2 dòng, một là đá ốp lát, hai là dòng xay bột siêu mịn để làm phụ gia cho các sản phẩm. Cả 2 loại này đều phải xuất cả 2 hình thức sản phẩm như xuất thô và chế biến sâu. Nguyên nhân là do có nhiều mặt hàng chưa đủ công nghệ để chế biến. Nếu doanh nghiệp không xuất thô thì sẽ tồn đọng một lượng sản phẩm lớn, nên nhiều mặt hàng không thể tránh khỏi bị xuất thô. Hiện, Công ty Long Anh đang bắt đầu khởi công xây dựng một nhà máy chế biến đá siêu mịn tại xã Tam Hợp để chế biến sản phẩm đá trắng, nâng cao giá trị loại khoáng sản này.
Với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều doanh nghiệp phải tự chuyển mình. Điều này không những phù hợp với xu thế của tương lai mà còn đúng với quan điểm “Lấy chất lượng tăng trưởng xuất khẩu làm nền tảng, hướng đến các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao” mà tỉnh Nghệ An đã đề ra trong “Đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025”.
Tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị khoáng sản
Thời gian gần đây, Quỳ Hợp đã có rất nhiều cơ chế mở để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình chế biến từ thô sang chế biến sâu như: tạo điều kiện về vốn vay, các hành lang pháp lý đi cùng.
Theo lộ trình, đến năm 2026, việc xuất khẩu đá thô sẽ hoàn toàn chấm dứt. Điều này đã được nêu rõ trong Thông tư 23/2021 của Bộ Công Thương (Được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 45/2023/TT-BCT mới có hiệu lực ngày 15/02/2024). Thông tư 23 ra đời nhằm thay thế Thông tư 08 và Thông tư 12 trước đây, quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý. Trong đó, đá hoa trắng có độ trắng từ 92 - 95% chỉ được xuất khẩu đến năm 2026.
Về vấn đề này, theo lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An, hiện đá khai thác có 3 loại, trong đó, đá loại 1 trên 95%. Theo giấy phép, Nghệ An khai thác khoảng 11 triệu tấn/năm, trong số này, đá trên 95% nằm vào khoảng 2,5 - 3 triệu tấn, như vậy lượng đá trên 95% thừa đủ để doanh nghiệp sản xuất.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong:
Cần tạo cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác cát sỏi ở miền núi
Do đặc thù là huyện miền núi, cấu trúc địa chất nhiều nhánh sông, suối nhỏ, độ dốc lớn… nên dòng chảy đa số theo các sườn núi, đồi dốc, ít có vùng trũng, bãi bồi lớn. Do vậy, nguồn cát, sỏi trên địa bàn huyện thường manh mún, không tập trung thành từng vùng lớn đủ trữ lượng để khai thác mỏ tập trung dài hạn, nếu được cấp phép từng điểm chỉ đủ khai thác theo mùa vụ. Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản chưa có quy định riêng cấp phép hoạt động khoáng sản cát, sỏi theo mùa vụ tại các khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo hướng đơn giản để giảm suất đầu tư xây dựng công trình; tránh thất thoát nguồn tài nguyên.
Ngoài ra, Quế Phong là một trong những huyện nghèo của cả nước nên trên địa bàn huyện không có các công trình dự án lớn và với trữ lượng cát, sỏi không nhiều, manh mún nên trong thời gian qua chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư để khai thác mỏ cát trên địa bàn huyện, dẫn đến giá cát sỏi vận chuyển đến trên địa bàn huyện tương đối cao, chở về đến thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận thị trấn dao động khoảng từ 220 - 250 nghìn đồng/m3), đối với các xã xa trung tâm, giá thành lại càng cao hơn vì cước vận chuyển.
Với đặc thù như vậy nên UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan cấp trên cần xem xét có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vào đầu tư để cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện, cụ thể: Cho doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi nhiều vị trí điểm mỏ trong cùng một Giấy phép trên địa bàn huyện để đủ trữ lượng cát, sỏi khai thác cho doanh nghiệp, hoặc có chính sách ưu đãi về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp:
Cần có hướng dẫn để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho địa phương
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có đến 81 mỏ khoáng sản được cấp phép, gần 160 xưởng chế biến khoáng sản, trong khi số lượng biên chế của Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện còn hạn chế. Do đó, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của chính quyền địa phương còn nhiều khó khăn.
UBND huyện đã tăng cường và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành cấp tỉnh cũng như chỉ đạo UBND các xã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Khai thác trái phép; khai thác ra ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép; lấn, chiếm đất để xây dựng các công trình phụ trợ…
Do đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu và nhận thức đầy đủ đối với các Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường… và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mặt khác, UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm: kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất đối với hoạt động khoáng sản trái phép của các tổ chức, cá nhân; Chỉ đạo lực lượng Công an huyện, xã tăng cường kiểm tra, phát hiện và tham mưu xử lý vi phạm; Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với UBND các xã có biểu hiện buông lỏng quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản nói chung và quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ thuê đất phục vụ cho mục đích hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, cần coi Quỳ Hợp là huyện đặc thù về khoáng sản để có chính sách hỗ trợ kinh phí, phương tiện, con người... để UBND huyện đảm bảo đủ điều kiện thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là khoáng sản chưa cấp phép.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương:
Siết chặt quản lý công suất khai thác cát sỏi lòng sông
Trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện nay đã được cơ quan có thẩm quyền cấp một số mỏ cát. Cụ thể là 5 giấy phép khai thác với 8 điểm mỏ. Thời gian qua, cùng với các giải pháp quản lý, Thanh Chương đã siết chặt quản lý công suất khai thác cát sỏi lòng sông.
Cụ thể, vào cuối năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt hành chính 900 triệu đồng đối với Công ty CP Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương (địa chỉ ở khối 1, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương), đơn vị này được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty này đã khai thác cát, sỏi lòng sông vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên. Cụ thể, năm 2020 vượt 211,2%; năm 2021 vượt 208,6% công suất được phép khai thác hàng năm. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh cũng đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương.
Trước đó, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên vì những vi phạm tương tự.
Nhờ vậy, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn được triển khai hiệu quả, chống thất thu thuế trong hoạt động khoáng sản, mặt khác giúp cá nhân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.