Nghệ An: Cần gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động khai thác khoáng sản
(TN&MT) - Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào như quặng thiếc, đá trắng, cát sỏi, quặng sắt… quá trình khai thác, chế biến không chỉ tạo việc làm mà còn đem lại nguồn thu ngân sách khá lớn cho tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản những năm qua đã bộc lộ những tồn tại, “điểm nghẽn” cần giải pháp tháo gỡ. Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Huy - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết về tình hình thi hành Luật Khoáng sản 2010 tại tỉnh Nghệ An?
Ông Lê Quang Huy: Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, bao gồm các địa hình từ đồng bằng ven biển, trung du và miền núi. Chính đặc điểm địa hình như vậy đã mang lại cho Nghệ An tiềm năng lớn về khoáng sản. Trong đó có một số loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như đá hoa trắng, quặng thiếc. Các loại khoáng sản có khối lượng lớn như nguyên liệu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thông thường.
Những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện cấp các giấy phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu. Hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và tăng thêm ngân sách cho tỉnh; đồng thời việc khai thác khoáng sản tạo nguồn nguyên liệu khoáng cho các ngành công nghiệp khác, thúc đẩy phát triển kinh tế.
UBND tỉnh Nghệ An đã chủ động cấp phép khai thác các loại khoáng sản cần thiết cho sự phát triển, đặc biệt là đất làm vật liệu san lấp để cung cấp kịp thời cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, các dự án trọng điểm của tỉnh như khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai 1, tuyến đường ven biển…
Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, Công an tỉnh, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức được cấp phép vẫn còn một số điểm hạn chế, vi phạm như: khai thác gây ô nhiễm môi trường, khai thác vượt công suất, khai thác ngoài phạm vi ranh giới khu vực mỏ, khai thác có nguy cơ mất an toàn lao động.
Trước tình hình đó, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tới các tổ chức Đảng, các sở, ngành, chính quyền các địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
PV: Những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở Nghệ An tạo nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn nhất định. Xin ông cho biết những vướng mắc mà địa phương đang gặp phải đối với hoạt động này?
Ông Lê Quang Huy: Qua thực tế quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy còn một số tồn tại vướng mắc như: Luật Khoáng sản 2010 và các Nghị định về khoáng sản qua quá trình thực hiện đã phát sinh những vấn đề bất cập trong các quy định hiện hành; khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, một số loại khoáng sản có giá trị phân bố rộng khắp, xen kẽ cả ở vùng sâu vùng xa, địa hình phân cắt, cả vùng ven sông ven biển, trong khi đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện công tác quản lý khoáng sản còn bất cập về số lượng, gây khó khăn cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa thường sống bằng nghề đào đãi khoáng sản (quặng vàng, quặng thiếc); ở một số vùng sông nước, dân cư sống bằng nghề khai thác cát qua nhiều thế hệ, đó là nghề sinh sống hàng ngày. Để xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép, phải gắn với việc chuyển đổi nghề nghiệp, nơi ở của các hộ gia đình, đây là vấn đề lớn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra ở một số khu vực.
Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận hoặc không đủ năng lực sản xuất, không đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản chạy theo lợi nhuận mà không chú ý công tác an toàn; một số đã bất chấp pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép.
Do nhu cầu đột biến về khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trong thời gian thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các Dự án trọng điểm của tỉnh nên có thời điểm chưa đảm bảo nhu cầu. Đến nay, đất san lấp của tỉnh đã cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu đường bộ cao tốc Bắc - Nam và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV: Để giải quyết những bất cập, điểm nghẽn nói trên thì giải pháp của tỉnh Nghệ An là gì, thưa ông?
Ông Lê Quang Huy: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như giải quyết dứt điểm các vấn đề đang tồn tại vướng mắc, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã: Góp ý vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010 để phù hợp với thực trạng quản lý khoáng sản trong thời điểm hiện nay và phù hợp với các luật liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai…
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 12/9/2022 về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 đã nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới, hiện nay, Sở TN&MT đang tập trung bám sát thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp Chỉ thị đã nêu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!