KCN Tây Bắc Quán Hàu được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng từ năm 2010, xây dựng trên địa bàn 3 xã huyện Quảng Ninh: Vĩnh Ninh, xã Lương Ninh và thị trấn Quán Hàu. Với tổng diện tích trong hàng rào KCN là 220,82 ha, trong đó đất sử dụng xây dựng nhà máy là 152,16 ha. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình là đơn vị Chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, có trách nhiệm tổ chức quản lý, huy động các nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KCN Tây Bắc Quán Hàu.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay KCN Tây Bắc Quán Hàu có những hạng mục xây dựng còn đang dang dở, và chưa được đưa vào thi công. Đường vào KCN này vẫn là đất đỏ, hai bên đường lau sậy, cỏ dại mọc um tùm. Bên trong KCN chỉ có 2 nhà máy là Gạch Tuynel Vĩnh Ninh và Nhà máy Dệt may S&D nằm chơ vơ hoạt động theo kiểu cầm chừng.
Bà Đào Thị Lệ ở thôn 4, xã Vĩnh Ninh cho biết, gần 10 năm qua, gia đình chị cuộc sống không ổn định. Đất trồng hoa màu, đất trồng lúa của gia đình nằm trong quy hoạch nên khó cải tạo. Con của chị Lệ không có việc làm, phải vào miền Nam mưu sinh và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. “Có KCN gần nhà thì con em địa phương vào đó làm việc thuận tiện, người dân chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên dự án KCN này việc đền bù đất, nhà có nhà không khiến nhiều khu đất bị bỏ hoang, dân chúng tôi muốn cải tạo đất để tăng thu nhập cũng không thể”.
Mục tiêu của Dự án KCN Tây Bắc Quán Hàu là thu hút nguồn vốn đầu tư vào Quảng Bình với các ngành nghề có công nghệ sạch, tiên tiến, thân thiện với môi trường, bao gồm các ngành dệt, may, giày da, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sản phẩm nông, lâm sản, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, cơ khí, chế tạo.
Ông Hà Văn Chút - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, trước viến cảnh có KCN trên địa bàn, chính quyền và người dân phấn khởi, ủng hộ. Tuy nhiên, Dự án KCN triển khai chậm vẫn dậm chân tại chỗ trong thời gian gần 10 năm qua khiến bà con mất niềm tin.
“Để đất trống không sản xuất thì người dân rất băn khoăn, trong vùng khu công nghiệp có nhiều diện tích đất của người dân bị thu hồi nhưng chưa được đền bù. Người dân vẫn được sản xuất nhưng công việc gặp nhiều khó khăn, nên họ mong muốn khu công nghiệp sớm đi vào hoạt động để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động”, ông Chút cho biết.
Người dân nơi cho biết, mới đầu khi nghe có dụ án cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều rất vui mừng phấn khởi vì con em trong địa phương sẽ được đi làm gần nhà cửa, có công việc ổn định hơn. Thế nhưng, sau gần 10 năm KCN này vẫn còn dang dở nên con em của họ đều phải đi làm xa để mưu sinh.
Trao đổi với PV, ông Đậu Trọng Cảnh - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, cho biết: “Hiện đơn vị thi công bắt đầu làm đường sá, cột điện, hệ thống thoát nước ở dự án. Một số nhà đầu tư muốn vào khu công nghiệp buộc phải ứng trước tiền để giải phóng mặt bằng và trả tiền đền bù”.
Việc Khu công nghiệp đến nay vẫn bị “treo”, ông Cảnh nói: “Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn, hầu hết các khu công nghiệp có hệ thống hạ tầng đầy đủ, hiện đại phải bỏ kinh phí xây dựng từ 500-700 tỷ đồng. Riêng dự án KCN Tây Bắc Quán Hàu, Chính phủ mới hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 70 tỷ đồng, thời gian tới địa phương sẽ đề xuất xin Trung ương phân bổ vốn. Các hạng mục đầu tư trong khu công nghiệp không đồng bộ do nguồn vốn hạn hẹp, địa điểm ở tỉnh Quảng Bình nằm xa các khu trung tâm thương mại của cả nước. Nhà đầu tư tìm đến xem vị trí rất nhiều nhưng lại lựa chọn các khu công nghiệp ở gần trung tâm như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... UBND tỉnh cũng như Ban quản lý đang nỗ lực trong việc kêu gọi, thu hút xúc tiến đầu tư”.
Sau gần 10 Dự KCN Tây Bắc Quán Hàu bị “tê liệt”, thậm chí đường vào KCN vẫn chưa được hoàn thành, cỏ dại mọc ngang đầu người. Đất đai không được đầu tư trở thành những bãi hoang trơ trụi.