“Bất an” vì các mỏ đá ở Đồng Thành (Nghệ An): Bài 2: Hãi hùng với những vách mỏ dựng đứng
Nói về những bất cập trong hoạt động của các mỏ khai thác đá ở xã Đồng Thành, không thể không kể đến vấn đề an toàn lao động, quy trình khai thác và vấn đề rung lắc do nổ mìn cũng như bụi bặm do quá trình xay đá gây ra…
“Trăm khổ” đổ đầu dân!
Có về thực tế nhiều ngày tại khu vực các xóm ở gần những mỏ đá tại xã Đồng Thành thì mới thấu hiểu được sự cơ cực cũng như bức xúc và bất lực của người dân nơi đây. Khi được hỏi, đa số người dân lẫn lãnh đạo xã đều ao ước cho địa phương mình đừng có mỏ đá để được… “sống yên ổn”.
“Sống ở đây khổ lắm chú ơi. Từ khi có các mỏ đá này là nảy sinh nhiều bất cập. Nào là xe chạy gây bụi bặm, hư hỏng đường sá, nguy cơ mất an toàn giao thông thì vấn đề nổ mìn không hiểu sao nó rung lắc khiếp thế. Cứ mỗi khi các mỏ nổ mìn là đất đai, nhà cửa cứ gọi là rung bần bật, quá sợ luôn” – Bà Q, một người dân sống ở xã Đồng Thành, lắc đầu ngao ngán nói.
Khi được hỏi, ông Nguyễn Hữu Diên, xóm trưởng xóm Đồng Nhân, cho hay: “Vấn đề các mỏ xay đá nhưng không phun sương, phun nước đầy đủ cũng gây bụi bặm ghê gớm. Việc nổ mìn ngoài gây rung lắc thì bụi từ việc đá lăn nếu gió thổi vào khu dân cư thì cả khu vực như chìm trong một màn sương bụi đá dày đặc. Rất cơ khổ”.
“Ở đây công nhân làm nhiệm vụ trèo lên khoan chuẩn bị nổ mìn trên vách đá đa số là người địa phương khác đến làm, nhất là người ngoài Bắc chứ dân địa phương thì gần như không ai dám trèo lên những vách đá dựng đứng đó mà ngồi khoan đá cả”, một người dân nói trong khiếp sợ.
Còn ông Trương Văn Hạnh, xóm trưởng xóm Xuân Phú thì cho hay, những kiến nghị, phản ánh của người dân thông qua cơ sở là xóm thì chúng tôi cứ có trách nhiệm kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên, có mấy kiến nghị, mong muốn của người dân được giải quyết thấu đáo đâu?
Theo quan sát của PV, khu vực Lèn Cò hiện nay có 3 mỏ đá xây dựng đang hoạt động. Đó là các mỏ của Công ty TNHH Thành Nam, Công ty Cổ phần Công nghiệp 369, Công ty TNHH Đông Thành. Ghi nhận cho thấy, mỏ của Công ty Cổ phần Công nghiệp 369 nằm tại một khu vực độc lập và khá gần với khu dân cư. Còn 2 mỏ khác của Công ty TNHH Thành Nam, Công ty TNHH Đông Thành nằm 2 bên lèn đối xứng nhau như 2 mái nhà.
Cũng chính vì thế mà việc khai thác mỗi Công ty khoét một bên khiến cho khu mỏ hiện nay cứ hẹp dần như một bức tường cao chót vót trông rất nguy hiểm. Ngoài ra, lượng đá treo tại các đỉnh mỏ này cũng khá nhiều nên có nguy cơ đổ sập, lăn xuống phía dưới là điều rất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Còn tại mỏ đá của Công ty Cổ phần Công nghiệp 369 cũng khai thác theo quy trình “hàm ếch”, nghĩa là khoét từ phía dưới lên khiến cho mỏ đá dựng đứng, đá treo lơ lửng nhan nhản khắp mặt phẳng của mỏ khiến ai nhìn thấy cũng đều rùng mình, sợ hãi. Ngoài ra, theo quan sát của PV thì hàng ngày, mỏ đá này có khoảng 2 công nhân ngồi cheo leo tại các viên đá treo để khoan nhồi mìn phá đá trông rất nguy hiểm.
Đã xử phạt nhưng chưa khắc phục?
Theo tài liệu của PV có được, vào tháng 5/2023, sau khi đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các mỏ đá trên địa bàn huyện Yên Thành thì tất cả đều có vi phạm về khai thác không đúng phương pháp khai thác quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản (Hồ sơ thiết kế khai thác mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt). Theo đó, tất cả các mỏ đá đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó có 3 mỏ đá tại Lèn Cò, xã Đồng Thành của 3 công ty nói trên.
Cụ thể, ngày 10/5/2023, UBND huyện Yên Thành đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần công nghiệp 369 có địa chỉ tại xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Người đại diện pháp luật – Giám đốc là ông Trần Văn Bàng. Hành vi vi phạm hành chính là khai thác không đúng phương pháp khai thác quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản (Hồ sơ thiết kế khai thác mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt). Số tiền xử phạt với hành vi trên là 80 triệu đồng.
Đối với biện pháp khắc phục hậu quả là Công ty này phải thực hiện khai thác khoáng sản theo đúng phương pháp khai thác, hồ sơ thiết kế khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Tương tự, UBND huyện Yên Thành cũng lần lượt ra các quyết định xử phạt các Công ty TNHH Thành Nam, Công ty TNHH Đông Thành với mức xử phạt nêu trên và biện pháp khắc phục cũng tương tự. Tuy nhiên, cho đến tháng 4/2024 này (sau gần 1 năm), theo ghi nhận của PV thì mọi thứ vẫn không có gì thay đổi, phương án khai thác của các đơn vị nói trên theo kiểu “mèo vẫn hoàn mèo”…
Nói về vấn đề này, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành, khẳng định: “Tôi khẳng định tất cả các mỏ đá này khai thác đều sai so với thiết kế, quy trình mà cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt. Cái này năm ngoái đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã chỉ rõ và giao cho huyện xử phạt mỗi đơn vị 80 triệu đồng rồi yêu cầu khắc phục. Nhưng chú thấy đó, có mỏ nào làm, mỏ nào khắc phục theo yêu cầu đâu”.
Cũng theo kiến nghị trong tâm trạng bức xúc của chủ tịch UBND xã Đồng Thành thì địa phương luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động phải làm đúng, làm đủ ở mức có thể chấp nhận được. Chứ làm kiểu này thì chỉ mong sao cấp có thẩm quyền sớm thu hồi mỏ đi để địa phương đỡ khổ, chúng tôi được yên ổn.
Ông Thái Hữu An, Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Thành, cho hay, tất cả các mỏ đá trên địa bàn huyện Yên Thành đều bị huyện này xử phạt vào năm 2023 vì lỗi vi phạm khai thác sai quy trình. Đến ngày 26/4/2024 này, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng sẽ tiếp tục về kiểm tra lại xem công tác khắc phục của các đơn vị này như thế nào.
"Ngày 14/7/2023, đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Yên Thành. Theo báo cáo của huyện này, ngoài những vấn đề khác thì việc khai thác khoáng sản còn chưa đúng theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt và có nguy cơ ảnh hưởng mất an toàn giữa các khu vực mỏ đá liền kề như tại khu vực mỏ đá Lèn Cò (Đồng Thành); mỏ đá Lèn Voi (giáp ranh giữa Trung Thành, Nam Thành) còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có dịp “mục sở thị” những tồn tại nêu trên khi kiểm tra thực tế hiện trường. Tuy nhiên, không hiểu vì sao công tác chỉ đạo khắc phục vẫn không được thực hiện là điều khiến dư luận rất băn khoăn, khó hiểu".
Bài 3: Cơ quan chức năng nói gì?