Xã hội

Dự án di dân tại Quảng Ninh: “Phá sản” do đâu? Bài 2: Ly hương rồi lại… hồi hương

Phạm Hoạch 24/08/2023 14:21

(TN&MT) - Không chỉ các hộ di dân ở xã đảo Ngọc Vừng khốn khó mà nhiều điểm di, giãn dân khác của tỉnh Quảng Ninh thời điểm đó cũng rơi vào hoàn cảnh éo le không kém, hàng chục hộ dân đang đứng trước nguy cơ ly hương rồi lại hồi hương, do cuộc sống ở vùng kinh tế mới gặp muôn vàn khó khăn.

Thôn “3 không”…

Hàng chục căn nhà bỏ hoang, vườn đất bỏ hoang để cỏ dại mọc là tình trạng tồn tại nhiều năm nay tại điểm di, giãn dân thuộc các thôn Tân Lập, Tân Đức, Khe Lánh 2 xã Quảng Đức, huyện Hải Hà và một số xã, phường tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

anh-qn-04.jpg
Nhiều ngôi nhà bỏ hoang gây lãng phí tài sản, đất đai của nhà nước tại thôn Tân Đức, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà

Rời quê từ năm 2005, gia đình chị Hoàng Thị Lan, quê gốc ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ, ra lập nghiệp tại thôn Tân Đức, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Trong căn nhà cấp bốn cũ nát, chị Lan chia sẻ: Cuộc sống ở quê vốn khó khăn, nên vợ chồng tôi ra làm kinh tế trên vùng đất mới, sau gần 20 năm chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn không thể khấm khá vì việc canh tác đất nông nghiệp gặp khó khăn do thiếu nước để sản xuất, cũng như sinh hoạt.

Cuộc sống của bà con trong thôn chủ yếu dựa vào cây chè, nhưng chè rớt giá nên quay sang làm vườn ươm giống cây keo và trồng keo lấy gỗ, nhưng do thiếu nước để canh tác, nên cây trồng cũng phập phù, khiến cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Nằm cách nhà chị Lan không xa, trong căn nhà cũ nát, anh Vũ Chí Quang, quê gốc Hà Tây cũ cho biết, lúc mới ra, gia đình tôi và các hộ di dân khác đều được hỗ trợ một ngôi nhà cấp 4 rộng hơn 30m2, nhưng không có công trình phụ, không bếp, mỗi hộ được giao 1ha đất trồng rừng để trồng chè, nhưng do thiếu nước nên hiệu quả không cao, các hộ chuyển sang trồng keo lấy gỗ, duy trì cuộc sống qua ngày.

Tại thôn Tân Lập, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, 1 trong 3 điểm thuộc dự án di, giãn dân ở Hải Hà. Hiện nay, hàng chục căn nhà di dân ở Tân Lập bị bỏ hoang để cỏ dại mọc, còn hơn chục căn có người ở đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không thể sửa chữa do các hộ gia đình kinh tế khó khăn.

Vợ anh Quang, chị Nguyễn Thị Thanh Vân chia sẻ, vốn quen cấy lúa nước, trồng màu, khi lên đây làm đất lâm nghiệp, trồng chè và cây ăn quả, nên chưa quen, cộng thêm không có điện, nước, đường đi lại lúc đó rất vất vả, cuộc sống khó khăn, nên nhiều hộ đành bỏ nhà cửa, ruộng vườn về quê cũ, cả thôn giờ chỉ còn hơn 20 hộ ở lại.

Rơi vào tình trạng như thôn Tận Lập, tại điểm di, giãn dân bản Khe Lánh 2, xã Quảng Đức, vốn tại khu này có 10 hộ dân ở xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà di cư sang từ năm 2009. Nhưng đến nay, các hộ đã chuyển đi hết, những dãy nhà cấp 4 bỏ hoang sau nhiều năm không có người ở, giờ để cây, cỏ hoang mọc um tùm, vừa lãng phí đất đai, vừa ảnh hưởng môi trường.

'' Theo Văn bản số 1762, ngày 28/7/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông về chương trình di dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy, hoạt động di dân được triển khai từ năm 1996, sau gần 27 năm triển khai, đã bố trí sắp xếp và ổn định cho 4.574 hộ với 18.994 khẩu và 11.124 lao động".

Được biết, Dự án di dân từ các tỉnh đến Quảng Ninh tập trung giai đoạn từ năm 1996 - 2005. Giai đoạn này, bố trí sắp xếp và ổn định cho 2.815 hộ với 11.970 khẩu và 6.601 lao động, trong đó, di dân tỉnh ngoài là 817 hộ, được bố trí vào các vùng, địa phương xã Quảng Đức (huyện Hải Hà); các xã, phường Hải Ninh, Hải Sơn, Hải Hòa, Hải Yên, Quảng Nghĩa, Hải Xuân (TP. Móng Cái); xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) và huyện Cô Tô.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND xã Quảng Đức, từ năm 2005, thực hiện các chương trình di, giãn dân, đã có hơn 50 hộ dân ở huyện Ba Vì (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) đến lập ra bản Tân Ðức; 30 hộ dân từ trung tâm xã Quảng Ðức và thôn 3, xã Quảng Thịnh vào sinh sống tại bản Khe Lánh 2; 30 hộ về bản Cống Mằn Thìn. Đến nay, do cuộc sống khó khăn, đã có hơn 60 hộ dân ở 3 thôn này chuyển đi nơi khác, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn để cỏ hoang mọc.

anh-qn-06.jpg
Nhiều ngôi nhà bỏ hoang trở thành nơi nuôi nhốt bò tại vùng dự án di dân ở phường Hải Hòa, TP. Móng Cái

Cùng chung tình trạng như nhiều điểm di dân tại xã đảo Ngọc Vừng, Quảng Đức, hàng loạt dãy nhà cấp bốn hư hỏng, cây cỏ hoang mọc cũng đang diễn ra tại vùng dự án, di dân ra biên giới tại phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, do Lâm trường 27, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 (Quân khu 3) thực hiện gần 30 năm trước với hơn 350 hộ dân ra làm kinh tế mới. Nhưng đến nay, rất nhiều hộ bỏ đi nơi khác do dự án đã không tính đến hạ tầng thiết yếu, đất canh tác nên hầu hết rơi vào tình cảnh “3 không” đó là: Không điện, không nước, không đường.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Văn Quý, Nguyên Phó Tham mưu trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Nguyên Giám đốc Lâm trường 27 cho biết, việc đào đắp, tu bổ, tôn tạo để hình thành nên những con đường, đầm nuôi trồng thủy sản ở vùng đất này là bao công sức của bộ đội. Khi mới ra vùng dự án, cuộc sống của người dân khá thuận lợi do kinh tế cửa khẩu mở ra, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nhiều năm nay do làm ăn khó khăn, nhiều hộ bỏ lại nhà, ruộng vườn đi nơi khác kiếm sống.

Qua tìm hiểu được biết, do hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, nhất là giao thông cách trở, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán, canh tác không phù hợp, cuộc sống khó khăn cộng với việc người dân nơi đây đã rời quê hương ra lập nghiệp tại đây, đã hàng chục năm trôi qua, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khiến nhiều người dân bất mãn.

Được biết, trong số 357 hộ ra vùng dự án kinh tế mới tại Lâm trường 27, đến nay có tới 273 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một trong những nguyên nhân là khu vực dự án di, giãn dân do Lâm trường 27 triển khai nằm trong quy hoạch khu kinh tế tổng hợp, nên việc cấp GCNQSDĐ đành để lại từ hơn chục năm về trước.

anh-qn-05.jpg
Những dãy nhà bỏ hoang để cỏ mọc tại vùng dự án di dân ở phường Hải Hòa, TP. Móng Cái

Trước đó, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 2589 ngày 21/4/2020 về đồng ý chủ trương cấp GCNQSDĐ cho các hộ còn lại thuộc dự án di dân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 tại phường Hải Hòa, TP. Móng Cái. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể triển khai, trong khi hàng trăm hộ dân vẫn ngậm ngùi chờ đợi.

Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc nhiều hộ gia đình ở vùng dự án di, giãn dân bỏ về một phần do chính sách hỗ trợ cho hộ di dân mặc dù đã được điều chỉnh, song vẫn ở mức thấp so với điều kiện thực tiễn nên khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản như cơ sở hạ tầng thiết yếu và điều kiện sản xuất còn nghèo nàn, lạc hậu.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết: Địa phương đã nhận được sự chỉ đạo của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa thể cấp GCNQSDĐ cho các hộ còn lại được. Do trong quá trình triển khai vướng rất nhiều quy định về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Tìm hiểu các dự án thì được biết, việc triển khai các dự án này do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Trong đó, Sở NN&PTNT là cơ quan tham mưu về triển khai chính sách về xây dựng hạ tầng, nhà ở cho các hộ dân. Còn các địa phương có dự án thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đất đai, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng hàng trăm căn nhà bỏ hoang, ruộng vườn để cỏ mọc, hàng trăm hộ thuộc diện di, giãn dân vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ để an tâm sản xuất, gây lãng phí tài nguyên đất đai của nhà nước. Đề nghị, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, để tới đây khi triển khai dự án di dân ra các huyện biên giới cần khảo sát, đánh giá bài bản, có các giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ thỏa đáng, xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ, cấp đất xây nhà ở và sản xuất để người dân “an cư” gắn bó với vùng đất, với rừng, tránh rơi vào vòng “luẩn quẩn” ly hương rồi lại hồi hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án di dân tại Quảng Ninh: “Phá sản” do đâu? Bài 2: Ly hương rồi lại… hồi hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO