Xã hội

Dự án di dân ở Quảng Ninh: “Phá sản” do đâu? Bài 1: Vỡ mộng nơi đảo Ngọc

Phạm Hoạch 22/08/2023 - 10:53

(TN&MT) - Hơn 20 năm về trước, có hàng trăm hộ gia đình từ Nam Định, Thanh Hóa tham gia đi làm kinh tế mới tại tỉnh Quảng Ninh. Các hộ gia đình được cấp nhà mới, cấp đất sản xuất, cấp tiền, nhưng chỉ sau một thời gian, hàng chục gia đình đã phải quay về quê cũ do cuộc sống không đảm bảo. Tình trạng này đang diễn ra phổ biến tại xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) và một số xã tại TP. Móng Cái. Những căn nhà cấp cho các hộ kinh tế mới giờ đã hư hỏng, cỏ hoang mọc um tùm, ruộng, vườn bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Nhọc nhằn mưu sinh nơi đảo Ngọc

Nằm cách trụ sở UBND xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn chỉ vài trăm mét là thôn Bình Hải. Thôn được hình thành từ Dự án di dân từ Nam Định và Thanh Hóa ra xây dựng kinh tế mới.

Đi dọc con đường bê tông xuống thôn Bình Hải, ngay tại đầu thôn chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt ngôi nhà bỏ hoang, bong tróc mái, ruộng, vườn để cỏ hoang mọc um tùm, nhiều đống rác, vật liệu xây dựng đổ ngay vệ đường, gây ô nhiễm môi trường.

anh-qn-01.jpg
Hàng loạt những dãy nhà bỏ hoang để cỏ dại mọc tại thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đổn

Ông Lê Văn Khánh, Bí thư, Trưởng thôn Bình Hải cho biết, trước đây thôn Bình Hải vốn chia làm hai thôn là Bình Ngọc và Ngọc Hải, với gần 60 hộ dân, nhưng nay cả thôn chỉ còn hơn chục hộ, do nhiều hộ gia đình bỏ về, nên ghép thành thôn Bình Hải.

Trong căn nhà xập xệ, ngổn ngang đồ đạc cũ, ông Trần Xuân Trường, quê ở Thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chia sẻ: Gia đình tôi là một trong số 20 hộ cùng quê Nam Định ra xã đảo Ngọc Vừng từ những năm 1997. Do cuộc sống ở quê khó khăn, nên khi xã thông báo chủ trương di dân đi xây dựng kinh tế mới tại tỉnh Quảng Ninh, được cấp nhà, đất, hỗ trợ tiền, cả gia đình tôi đã tình nguyện ra xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn lập nghiệp.

Ông Trường cho biết thêm: Khi ra xã đảo, gia đình tôi và các hộ khác được cấp một căn nhà rộng 30m2 cùng nhà bếp, bể chứa nước, đất sản xuất và số tiền hỗ trợ ban đầu để duy trì cuộc sống. Thuở mới ra đảo, gia đình tôi cũng như nhiều hộ di dân khác vừa trồng rau màu duy trì cuộc sống, nhưng do điều kiện sinh hoạt quá thiếu thốn, không điện, không nước sinh hoạt, không đường, nên nhiều hộ đành quay về quê. Trong số 20 hộ cùng quê Nam Định cùng đợt với gia đình tôi ra làm kinh tế mới, đến nay đã quay về quê gần hết, do gia đình đã bán hết ruộng vườn ở quê, nên đành bám trụ ở lại xã Ngọc Vừng, chứ giờ có muốn đi thì không có nơi mà về.

anh-qn-03.jpg
Vợ chồng ông Vũ Hữu Mùi gần 80 tuổi, ở thôn Bình Hải vẫn đan lưới để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống

Đi hết con đường bê tông đến cuối thôn, chúng tôi ghé vào gia đình ông Vũ Hữu Mùi, năm nay 78 tuổi, quê gốc ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông Mùi chia sẻ, do gia đình đông con, cuộc sống khó khăn, nên ra xã đảo Ngọc Vừng làm kinh tế mới, mong cuộc sống khấm khá hơn trước. Nhưng hơn 20 năm qua, cuộc sống gia đình vẫn thiếu thốn, đồng ruộng thì có nhưng không có nước để trồng trọt, nước sinh hoạt vẫn phải dùng từ khe suối.

Nhà đất bỏ hoang, lãng phí đất đai

Dự án di dân ra xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn được triển khai từ những năm 1996 của thế kỷ trước, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dự án và đưa hàng trăm hộ dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định ra định cư, xây dựng kinh tế mới trên đảo.

Tuy nhiên, trước những năm 2000, hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn, nhất là ở các xã tuyến đảo, hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt đều không có, khiến cuộc sống của những hộ di dân rất khó khăn, vất vả.

anh-qn-02.jpg
Nhiều tấm biển rao bán nhà tại vùng di dân ở xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Trong khi các hộ di dân vốn quen với làm nông nghiệp, nhưng ra với xã đảo thiếu thốn đủ bề, nên việc canh tác không thể thực hiện, nghề đi biển đánh bắt hải sản thì không quen, nên chỉ sau một thời gian, hàng loạt hộ gia đình đã bỏ về quê khiến cả vùng dự án tiêu điều, xơ xác.

Chỉ tay về phía dãy nhà bỏ hoang nằm bên cánh đồng, ông Lê Văn Khánh chia sẻ, từ chỗ thôn có gần 60 hộ dân, với gần 200 nhân khẩu, đất canh tác có, nhưng không có nước tưới, cuộc sống mưu sinh khó khăn, nên nhiều hộ gia đình đã bỏ về quê, đến nay cả thôn chỉ còn hơn chục hộ bám trụ ở lại.

Đi biển thì không có kinh nghiệm, canh tác thì không có nước, nhiều hộ gia đình trong thôn phát đồi, trồng rừng bạch đàn, nhưng khi thu hoạch gỗ thì được thông báo đất rừng đã có chủ, nên việc khai thác đành phải dừng lại chờ giải quyết.

Ông Lê Công Sơn, quê gốc Thanh Hóa, một trong những hộ nằm cuối thôn Bình Hải chia sẻ, năm 1998, cả gia đình ra đảo Ngọc Vừng làm kinh tế mới, thấy đất đồi bỏ hoang, cả gia đình phát và trồng 6ha bạch đàn, khi có chủ trương cấp sổ cho đất rừng, gia đình làm đơn đề nghị cấp sổ thì chính quyền địa phương trả lời đất đã có chủ, nên không thể cấp sổ, khi đó chúng tôi rất hoang mang và không biết làm để bảo vệ vườn cây cho gia đình.


anh-qn-07.jpg
Nhà văn hóa tại thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng cửa vỡ tan hoang, để cỏ dại mọc nhiều năm qua

Qua tìm hiểu, tại thôn Bình Hải có một số hộ rơi vào tình trạng giống như gia đình ông Sơn, thậm chí nhiều hộ dù được cấp nhà, nhưng vẫn chưa được cấp "sổ đỏ". Cuộc sống mưu sinh vất vả, không bám trụ nổi, nên một số gia đình có sổ đỏ thì tranh thủ bán “trao tay” cho những hộ khác, những hộ chưa được cấp sổ thì bán rẻ, thậm chí có hộ bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn rồi về quê.

Trước những khó khăn, bất cập đối với những hộ dân trong vùng dự án di dân tại xã đảo Ngọc Vừng, chia sẻ với PV, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, ông Vũ Văn Hưởng cho biết: Huyện đã nắm được tình trạng này, nhưng do dự án triển khai khá lâu, thời gian tới, chính quyền sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, có biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với những hộ dân nằm trong vùng dự án theo thẩm quyền của địa phương.

Bài 2: Ly hương rồi lại… hồi hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án di dân ở Quảng Ninh: “Phá sản” do đâu? Bài 1: Vỡ mộng nơi đảo Ngọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO