Môi trường

Phát triển mô hình tôm - lúa bền vững

Trung Nguyên 02/11/2023 - 16:39

(TN&MT) - Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích áp dụng mô hình tôm – lúa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, quy trình canh tác dựa nhiều vào kinh nghiệm của nông dân, không tuân theo quy trình canh tác bền vững cũng như không phù hợp với tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Bước đầu thí điểm quy trình canh tác hữu cơ tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình đã cho thấy những tín hiệu tích cực.

Cà Mau vốn nhiều tiềm năng lớn về thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Biến đổi khí hậu, tác động của xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Song hành cùng định hướng chuyển dịch cơ cấu và phát triển nông nghiệp chủ động thích ứng của Chính phủ, tỉnh khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm – lúa sinh thái thích ứng và thân thiện với môi trường.

Trong năm 2021, diện tích tôm - lúa của tỉnh Cà Mau đạt 40,000 ha (chiếm 14 % diện tích nuôi tôm 284.970 ha trong toàn tỉnh), đứng thứ 3 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc Huyện Thới Bình với 19,500 ha, chiếm 48,7%), còn lại là các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước (một phần nhỏ ở xã Thạch Phú và thành phố Cà Mau).

anh-1(1).jpg
Mô hình tôm -lúa canh tác theo hướng hữu cơ tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Mô hình tôm - lúa được khẳng định có nhiều ưu điểm nhưng trong quá trình canh tác, mô hình đang gặp phải nhiều thách thức. Qua nghiên cứu, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã chỉ ra các vấn đề thường gặp. Đó là các vùng nuôi tôm - lúa chưa được quy hoạch bài bản và đồng bộ với hạ tầng thủy lợi. Diễn biến bất thường của hạn mặn khiến nhiều khu vực canh tác vụ lúa kém hiệu quả khiến nhiều nông dân bỏ canh tác lúa, chuyển hẳn sang chuyên tôm. Điều này gia tăng rủi ro về dịch bệnh, làm thay đổi các chỉ tiêu môi trường đất và nước. Bên cạnh đó, mô hình canh tác tôm – lúa vẫn được thực hiện dựa nhiều vào kinh nghiệm của nông dân và không tuân theo quy trình canh tác bền vững cũng như phù hợp với tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.

Theo ông Ngô Tiến Chương, Cán bộ cao cấp của Tổ chức GIZ, nhiều nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỷ lệ bón phân và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách, các tàn dư lúa như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp...

Đối với tôm, nước thải, phân và các chất bài tiết của tôm; bùn thải chứa các loại hóa chất, thuốc kháng sinh tích tụ và tồn lưu trong môi trường. Các nguồn phát thải này càng góp phần làm phát thải khí nhà kính (CO2, SO2, PO4).

Từ tháng 12/2021, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, UBND huyện Thới Bình cùng các doanh nghiệp triển khai xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện canh tác theo các nguyên tắc hữu cơ và thí điểm trên 12 hộ, thuộc 2 hợp tác xã tại xã Biển Bạch Đông, Thới Bình. Các hoạt động can thiệp vào quy trình sản xuất được thực hiện trong 2 vụ tôm sú năm 2022 và năm 2023 nhằm tăng cường tính bền vững của mô hình tôm lúa theo hướng chứng nhận hữu cơ. Trong ruộng lúa, các loại tảo lục và tảo khuê phát triển, trở thành thức ăn cho tôm nên có thể giảm lượng thức ăn công nghiệp cho tôm. Phân tôm quay ngược lại trở thành dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, nên không cần sử dụng phân bón hóa học.

Tính đến tháng 7/2023, qua hai vụ nuôi, các hộ nuôi quen dần với thay đổi và áp dụng khá triệt để các biện pháp can thiệp; bổ sung vi sinh hợp lý tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm và cải thiện chất lượng nước. Kết quả bước đầu của mô hình rất tích cực với các hộ tham gia có năng suất tăng 25%. Theo đó, lợi nhuận của các hộ mô hình thí điểm cũng tăng trung bình khoảng 20% so với các hộ theo mô hình sản xuất hiện tại, bình quân đạt 36,6 đồng/ha/năm.

anh-2(1).jpg
Nông dân đi thăm ruộng tôm - lúa

Bên cạnh đó, dự án cũng giúp đào tạo nâng cao năng lực cho 30 cán bộ thủy sản đã được đào tạo năng lực; 279 nông dân được đào tạo về quy trình kỹ thuật tôm-lúa theo hướng hữu cơ; 150 nông dân được đào tạo chứng chỉ quốc tế (ASC, EU Organic). Hiện nay, đã có 150 hộ dân tham gia mô hình được ký hợp đồng liên kết bán sản phẩm cho Công ty Thủy sản Minh Phú.

Ông Chương nhận định, chất lượng nguồn nước tại Biên Bạch Đông có thể đảm bảo cho việc phát triển mô hình nuôi tôm-lúa theo hướng hữu cơ. Việc ứng dụng vi sinh trong quá trình nuôi giúp chất lượng nước ổn định, tảo lục và tảo khuê chiếm ưu thế, trong khi hạn chế sự phát triển của tảo mắt và tảo lam gây hại. Nhóm sinh vật đáy được cải thiện góp phần làm tăng năng suất tôm nuôi

Từ kết quả thí điểm bước đầu, phía GIZ cho rằng, việc cải tiến cần phải có ao ương để tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho nông hộ; sử dụng nguồn đầu vào phục vụ sản xuất, bao gồm con giống, ủ vi sinh với cám gạo để tạo nguồn thức ăn tự nhiên… phải có nguồn gốc hữu cơ như cá tạp trong vuông hoặc lúa mầm để đảm bảo tăng trưởng và đáp ứng yêu cầu về lộ trình hướng đến sản phẩm hữu cơ. Yêu cầu hiện nay là nông hộ cần được nâng cao năng lực về thực hành nuôi theo hữu cơ, đồng thời, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp và các tổ chức, ít nhất là dẫn dắt trong giai đoạn đầu để họ có thể áp dụng đúng các quy tắc.

Đây là những nền tảng quan trọng để tỉnh Cà Mau phát triển bền vững mô hình tôm - lúa nói riêng và mô hình canh tác thủy sản nói chung. Phấn đấu đến năm 2030, toàn bộ diện tích tôm – lúa của tỉnh đều đạt được các chứng nhận quốc tế (EU Organic, Canada Organic, ASC).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mô hình tôm - lúa bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO