Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình |
PV: Được đánh giá là một trong những Dự án triển khai có hiệu quả, xin ông cho biết, những năm qua, Dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn” đã được tỉnh Thái Bình triển khai như thế nào và kết quả cụ thể ra sao?
Ông Lại Văn Hoàn:
Dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn” ở tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 4532/QĐ-BNN-HTQT ngày 5/11/2015. Dự án được triển khai tại 4 xã thuộc 2 huyện ven biển: xã Thụy Xuân, Thụy Hải của huyện Thái Thụy và xã Đông Long, Đông Hoàng của huyện Tiền Hải với mục tiêu dài hạn là phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ bờ biển và nâng cao kiến thức, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư địa phương.
Theo đó, từ năm 2016, tỉnh Thái Bình được giao thực hiện hợp phần trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục của Dự án đã cơ bản được triển khai xong với kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tỉnh đã giao cho Ban Quản lý dự án, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện trồng rừng bần và rừng trang với diện tích 160 ha, trong đó có 80 ha trồng mới và 80 ha trồng bổ sung (cho những nơi có diện tích rừng thưa, bị suy thoái) đạt 100% kế hoạch. Mặc dù điều kiện môi trường khắc nghiệt, song đến nay, hàng trăm ha rừng bần, rừng trang của Dự án đã phát triển tốt, nhiều khu vực đã đạt mật độ che phủ lên tới 80%, chiều cao trung bình khoảng 5 - 7 m.
Ngoài việc trồng mới, trồng bổ sung những diện tích rừng bị suy thoái, Ban Quản lý còn tiến hành bảo vệ 800 ha rừng của các xã thuộc vùng Dự án. Toàn bộ diện tích rừng mới trồng, bảo vệ đều được Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, đại diện nhà tài trợ, chuyên gia nước ngoài, tư vấn giám sát kiểm tra… đánh giá định kỳ hàng năm với kết quả tốt. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, khả năng Dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ở tỉnh Thái Bình” sẽ được nghiệm thu, bàn giao vào năm 2023, sớm hơn kế hoạch đề ra 1 năm.
Dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn” được triển khai tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình) |
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa, hiệu quả mà Dự án mang lại trong việc góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống lụt bão?
Ông Lại Văn Hoàn:
Như chúng ta đã biết, rừng ngập mặn là một loại rừng khá đặc biệt bởi vị trí tồn tại của chúng ở môi trường tương đối khắc nghiệt, thường xuyên chịu tác động của các yếu tố thiên nhiên bất lợi (sóng biển, bão gió, sinh vật biển gây hại…). Tuy loại rừng này ít có giá trị về mặt kinh tế (cho gỗ hay lâm sản ngoài gỗ…) nhưng lại có giá trị rất lớn trong việc chắn sóng phòng hộ ven biển, bảo vệ cơ sở vật chất, hạ tầng ven biển, góp phần đa dạng sinh học ven biển. Thực tế cho thấy việc trồng rừng ngập mặn trong những năm gần đây luôn là một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém bởi điều kiện trồng rừng ngập mặn khác xa với trồng rừng trên cạn. Việc được tiếp nhận Dự án tài trợ trồng rừng ngập mặn là một lợi thế cho tỉnh Thái Bình trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Nhận thức được điều đó, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chú tâm thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất, đến thời điểm này, Dự án đã đi được 3/4 chặng đường với khối lượng công việc cơ bản hoàn thành, được nhà tài trợ và Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao.
Dự án đã giúp gia tăng, củng cố đai rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiên tai, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, Dự án cũng tạo việc làm cho người dân ven biển thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng, khai thác thủy sản trong rừng ngập mặn.
PV: Để duy trì Dự án một cách hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
Ông Lại Văn Hoàn:
Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nốt các hạng mục còn lại của Dự án, đảm bảo chất lượng, khối lượng mà Bộ NN&PTNT và nhà tài trợ yêu cầu.
Từ đặc thù của rừng ngập mặn luôn chịu tác động thường xuyên của điều kiện tự nhiên, Ban Quản lý dự án cấp tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên tổ chức kiểm tra diện tích rừng trồng của Dự án, đặc biệt là diện tích mới trồng bị ảnh hưởng để yêu cầu đơn vị trồng rừng hoàn thiện, đảm bảo bàn giao với nhà tài trợ khi kết thúc Dự án. Tổ chức bảo vệ tốt diện tích rừng trên toàn tỉnh, trong đó có diện tích rừng đã trồng của Dự án. Đề xuất Bộ NN&PTNT và nhà tài trợ giao nghiên cứu triển khai thực hiện pha 2 của Dự án. Thái Bình mong muốn xây dựng vùng đã thực hiện Dự án thành địa điểm nghiên cứu, học tập, du lịch sinh thái về rừng ngập mặn. Qua đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tác hại của nước biển dâng… giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia trồng và bảo vệ rừng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!