Biển đảo

Cộng đồng phật giáo giữ rừng ngập mặn cù lao Lợi QuanBài 3: “Người trong cuộc” và những câu chuyện ấn tượng

Nguyễn Quốc Đạt 23/11/2024 - 13:33

(TN&MT) - Các hoạt động trong dự án của chúng tôi đã thu hút sự quan tâm, tham gia, từ các nhà khoa học đến các nhà văn nhà thơ, các đồng chí lãnh đạo địa phương và đặc biệt là các tăng ni, cộng đồng Phật giáo. Nhiều người đã bày tỏ suy nghĩ của mình khi được chung tay bảo vệ rừng.

Phát biểu của “người trong cuộc”

Thầy Thích Thiện Danh - Trụ trì chùa Phú Thới - Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Tân Phú Đông và thầy Thích Thiện Nhẫn - Trưởng Giáo hội Phật giáo huyện Tân Phú Đông đồng nhận xét: “Những nội dung hoạt động, đặc biệt là nội dung thuyết pháp tuyên truyền Phật giáo gắn liền với môi trường, với rừng ngập mặn ven biển đến với cộng đồng Phật tử là điều rất mới mẻ và có ý nghĩa”.

Bà Huỳnh Thị Thu Trang - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang phát biểu trên sóng Đài truyền hình Tiền Giang: “Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề Vì rừng ngập mặn ven biển được tổ chức với thời gian phát động ngắn nhưng đã thu được số lượng tác phẩm tăng ngoài dự kiến, chất lượng tốt, đến từ khắp các địa phương trong tỉnh đã thật sự nâng cao nhận thức của các em thiếu nhi về tầm quan trọng của rừng ngập mặn ven biển, cùng chung tay giữ màu xanh của biển đảo quê hương”.

Sự kiện ngoài trời và trồng rừng ngập mặn ven biển được tổ chức tại xã Phú Đông và bãi biển Cồn Cống (thuộc xã Phú Tân) mục đích nhằm truyên truyền trực tiếp, mong muốn có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng địa phương đã nâng cao nhận thức về việc bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn ven biển. Sự kiện thu hút nhiều thành phần tham gia như đại diện chính quyền địa phương, các đoàn thể, đại diện ngành môi trường tỉnh, huyện, các em học sinh,… đặc biệt có sự tham gia của đoàn đại diện MFF. Các đại biểu đã không ngại đường xa trồng 500 cây bần ngay sự kiện.

z6056915614139_1fd1355d495101992dac2bb200f6bac6.jpg

Ông Phan Ngọc Nhất - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân và ông Trần Minh Lực-Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đông và Th.S Trần Thế Tâm - Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang đồng nhận xét: “Các hoạt động đã bước đầu nâng cao nhận thức của phật tử và người dân của 02 xã ven biển Cù lao Lợi Quan về rừng ngập mặn ven biển bằng những việc làm cụ thể, thiết thực”.

Ông Cao Huy Bình - Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh nhận xét: “Buổi tập huấn và giao lưu giữa phật tử và Rừng phòng hộ Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh là một sáng kiến của chùa Phú Thới - Tiền Giang. Việc trao đổi, học tập kinh nghiệm về việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn ven biển là việc làm thường xuyên, lâu dài giữa các đơn vị nhằm đạt hiệu suất cao nhất. Nên duy trì những hoạt động thiết thực như vậy”.

Tất cả kết quả của các hoạt động nêu trên đã góp phần đóng góp cho mục tiêu: Nâng cao nhận thức của người dân, đa phần là phật tử ở hai xã Phú Đông và Phú Tân thuộc cù lao Lợi Quan, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang về vai trò của rừng ngập mặn ven biển, cùng chung tay giữ màu xanh của biển đảo quê hương.

Những “mầm xanh” ấn tượng

Trong lần tổ chức sự kiện ngoài trời với chủ đề “Vì rừng ngập mặn quê hương” tại Trường tiểu học Phú Đông với sự tham gia của 200 đại biểu với nhiều thành phần khác nhau, độ tuổi khác nhau, có sự tham gia của đoàn MFF và các em thiếu nhi đoạt giải cuộc thi vẽ tranh “Vì rừng ngập mặn ven biển”.

Sau chương trình phát động, 200 đại biểu di chuyển đến bãi biển Cồn Cống thuộc xã Phú Tân để tham gia giao lưu, làm sạch biển và trồng rừng với 500 cây bần giống được chuẩn bị sẵn.

7.jpg

Giữa trưa nắng, cả đoàn di chuyển từ trường tiểu học Phú Đông bằng xe ô-tô hơn 5 km đường khó đi, sau đó phải xuống 03 chiếc ghe (loại ghe cào của ngư dân) len lỏi trong các rạch để tiếp tục ra bãi biển. Do thủy triều xuống thấp và một số đại biểu không quen sông nước, ghe lại liên tục lắc lư nên em Đỗ Ngọc Thùy Dương (Dương là học sinh vừa đoạt giải cao nhất của cuộc thi thuộc trường tiểu học Thiên Hộ Dương - thành phố Mỹ Tho và được ông Nguyễn Chu Hồi - Trưởng Ban điều phối MFF Việt Nam trao giải) đã sẩy chân trên thành ghe rơi xuống nước. Nhanh như cắt, một ngư dân đã nhảy xuống kênh đưa em lên. Cả đoàn, nhất là các thành viên của Ban Tổ chức một phen đứng tim. Tuy nhiên, em không hề tỏ ra chùn bước và vẫn tiếp tục hành trình cùng cả đoàn đại biểu không ngại nguy hiểm tiếp tục hành trình ra bãi biển để làm sạch biển và trồng rừng.

z6056915851724_6e5f6418f4f2dd88f9348fa7d764ec87.jpg

Theo phát động, mỗi người trồng từ 1 đến 3 cây, nhưng mọi người, đặc biệt là các em thiếu nhi không dừng lại ở con số đó mà tự thi đua nhau căng dây, đào hố trồng cây với số lượng nhiều hơn dưới cái nắng như thiêu, như đốt. Nhờ vậy mà trong một thời gian ngắn 500 cây bần giống cao hơn đầu người đã được trồng. Hôm ấy cả đoàn ăn trưa lúc…15 giờ! Vất vả, mệt nhưng ai cũng thấy việc làm của mình mang ý nghĩa nên vui và nhớ mãi. Đặc biệt, hình ảnh của các em học sinh – những mầm xanh tương lai của đất nước và thái độ làm việc đã khiến người lớn rất nể phục, tin yêu.

3(2).jpg

Các nội dung và câu chuyện liên quan trên đây thuộc dự án nhỏ“Cộng đồng phật giáo tham gia bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn ven biển cù lao Lợi Quan, tỉnh Tiền Giang” - một dự án đặc biệt của một tổ chức tôn giáo đề xuất được MFF tài trợ thực hiện từ năm 2012 - 2013 nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng không phân biệt vùng miền, tôn giáo, ngành nghề qua những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả cùng chung tay bảo vệ môi trường biển xanh sạch đẹp, gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên biển đảo Việt Nam đến hiện tại vẫn còn nguyên tính thời sự, trước thực trạng biển đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay, tôi mong muốn được nhân rộng mô hình này trên khắp dải đất hình chữ S thân thương để chúng ta sống thuận thiên trong sự biến thiên của khí hậu.

Nguyễn Quốc Đạt
xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng phật giáo giữ rừng ngập mặn cù lao Lợi Quan Bài 3: “Người trong cuộc” và những câu chuyện ấn tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO