Biển xanh nhờ rừng - Bài 2: Rừng ngập mặn - “báu vật” của làng
(TN&MT) - Người dân ở các làng biển ở xứ Thanh nói: Rừng ngập mặn chính là “báu vật” của làng. Rừng không chỉ là lá chắn bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu mà hệ sinh thái của rừng ngập mặn còn đem lại cho người dân nguồn lợi về kinh tế. Rừng còn sự bình yên của dân làng, rừng mất, thiên tai, bão lũ sẽ trực tiếp đe dọa cuộc sống người dân!
No đủ dưới những cánh rừng ngập mặn
Để có một buổi trải nghiệm cùng bà con mưu sinh dưới những tán rừng ngập mặn, tôi đã phải có mặt ở tuyến đê biển Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) từ khá sớm. Thủy triều rút, lúc này phía chân đê đã có năm, bảy tốp “cần thủ” bắt đầu đi “săn” con cụng. Đây là loại sinh vật sống dưới những tán cây bần, cây sú vẹt. Con cụng cũng giống con cua, để “săn” được loài vật này, người dân phải đi từ khá sớm, sử dụng những cần câu dài chừng 3m, không cần lưỡi, mồi để săn. Mỗi ngày, một cần thủ có thể câu bắt được gần 10kg con cụng, bán đi thu về vài trăm nghìn đồng.
Cần thủ Phạm Văn Tú (xã Đa Lộc) dù đã ở cái tuổi ngoại thất thập, nhưng đến nay ông vẫn gắn bó với nghề. Ông Tú cho biết, câu con cụng cũng không khó nhọc, chủ yếu là kinh nghiệm. Đi nhẹ nhàng, cần câu luôn hướng về phía trước, tay phải cầm cần, tay trái cầm lưỡi câu, khi thấy con cụng bò trên mặt bùn, ngắm thật chuẩn, vung cần dứt khoát là bắt được ngay.
Ngoài những tốp săn con cụng, còn đó là những chị em phụ nữ làng biển tất bật mò cua, bắt ốc, bắt cáy… kiếm thêm thu nhập. Đa số họ là những người phụ nữ trung niên, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và không có công việc ổn định. Bà Nguyễn Thị Sinh (xã Hưng Lộc) bì bõm dưới lớp bùn sình lầy từ sáng sớm đến khi thủy triều lên mới trở về, cho biết, trung bình mỗi ngày bà bắt được khoảng 7 đến 10kg ốc xoắn, bán ra cũng kiếm được gần 200 nghìn đồng.
Với nhiều hộ dân không trực tiếp khai thác, đánh bắt những loài sinh vật dưới những tán rừng ngập mặn, họ tận dụng lợi thế đó để tạo ra các mô hình sinh kế đem lại thu nhập, như mô hình nuôi ong, nuôi vịt, nuôi cua... Năm 2021, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) được thành lập với 20 thành viên, nuôi thả dưới những cánh rừng sú, vẹt… mỗi năm cung ứng gần 15 tấn mật ong ra thị trường. Còn tại Cồn Trường, xã Hoằng Châu (huyện Hoằng Hóa) là mô hình nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy lợi thế từ rừng ngập mặn địa phương, từ lâu người dân đã đầu tư những mô hình nuôi trồng thủy sản như tôm sú, cua biển, cá đối, cá bống,... đem lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Chung tay bảo vệ “Báu vật” của làng
Rừng ngập mặn tại huyện Nga Sơn được tập trung phát triển chủ yếu từ những năm 1980. Thông qua các chương trình, dự án như: Dự án 327, 661 trồng mới 5 triệu ha rừng; Hội Chữ Thập đỏ Nhật Bản năm 1997 - 2002; Tổ chức Hành động và phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản (ATM Project) năm 1999 - 2000… Trong đó, hai xã Nga Tân và Nga Thủy là những địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn (trên 340ha).
Thanh Hóa có diện tích gần 1.000ha rừng ngập mặn, đây được xem là môi trường thuận lợi để cho nhiều loài giáp xác, nhuyễn thể sinh sống, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời cũng tạo sinh kế cho người dân sống ở khu vực ven biển có thêm nguồn thu nhập.
Các loài cây ở rừng ngập mặn đều có sức sống rất cao, song vẫn không thể tránh khỏi các mối đe dọa từ bão lũ; sự bồi lắng cát từ biển và đất ngăn nước mặn vào một số phân khu, làm chết cây rừng, cho đến các mối đe dọa về phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm chặt phá rừng để nuôi thả ngao, dắt… Để có thể bảo vệ một cách nguyên vẹn hệ thống rừng ngập mặn nơi đây, huyện Nga Sơn đã xây dựng phương án quản lý rừng dựa vào cộng đồng dân cư. Đây được xem là ý tưởng, mô hình sáng tạo.
Về thôn 6, xã Nga Tân khi Ban quản lý thôn đang tổ chức đi kiểm tra rừng ngập mặn. Ông Nguyễn Minh Tâm - Trưởng thôn 6 chỉ tay về những cây sú, cây bần, phân tích những tác động có thể làm tổn hại đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Theo ông Tâm, để cây phát triển, người dân định kỳ phải đi cạo con hàu bám vào cây; dọn dẹp, thu gom rác thải. Đồng thời, kiểm tra, giám sát xem có hộ nào vi phạm về chặt phá rừng nhằm chuyển mục đích mở rộng diện tích nuôi ngao, hay chặt phá lấy gỗ hay không. Nếu xảy ra trường hợp trên sẽ báo cáo chính quyền và xử lý nghiêm theo quy định cũng như luật lệ của làng.
“Rừng ngập mặn có ý nghĩa to lớn với địa phương. Ngày trước khi chưa có tuyến đê bao chắn biển, nhờ cánh rừng sú vẹt đã giảm thiểu thiên tai, ngăn cản triều cường bảo vệ dân làng. Giờ đây, những cánh rừng ngập mặn đang giữ vai trò bảo vệ cho tuyến đê biển và hàng trăm héc ta nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Ở thời điểm nào, rừng ngập mặn cũng song hành bảo vệ người dân, vì vậy, cộng đồng dân cư nơi đây luôn xem việc bảo vệ rừng sú vẹt như bảo vệ chính hơi thở cuộc sống của mình” - ông Tâm nhấn mạnh.
Với ông Phạm Ngọc Luyến - Chủ tịch UBND xã Nga Tân, ngoài vai trò bảo vệ dân làng, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, rừng ngập mặn còn mang những tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái. Điều đó được khẳng định trong lộ trình quy hoạch phát triển du lịch của huyện Nga Sơn nói riêng. Đó là hình thành các tuyến du lịch từ các di tích lịch sử trên địa bàn qua các cánh rừng sú vẹt.
Cũng bởi những tiềm năng, lợi ích mà rừng ngặp mặn mang lại, trong tâm khảm người dân các địa phương nơi đây, từ lâu đã hình thành ý thức giữ gìn, phát triển. Nếu bắt gặp trường hợp nào xâm lấn, vi phạm, ngay lập tức cộng đồng dân cư sẽ vào cuộc.
Cách làm dựa vào sức mạnh của cộng đồng dân cư đã, đang góp phần nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, nhân lên tinh thần cố kết trong cộng đồng dân cư.
Đình Giang -
157 đường Vĩnh Yên, phố Thành Yên,
phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa