Nhân rộng phương pháp đo lường các-bon rừng ngập mặn
(TN&MT) - Không chỉ các chuyên gia lâm nghiệp, chính cộng đồng địa phương tại nơi có rừng ngập mặn hoàn toàn có thể tự thực hiện đo lường các-bon rừng dựa trên hướng dẫn kỹ thuật đã được thống nhất chung cả nước, và từ đó, xác định nguồn tiền từ các-bon rừng mang lại.
Thông tin được chia sẻ tại buổi trao đổi khoa học “Đo lường carbon rừng ngập mặn - cơ hội và thách thức - Trường hợp rừng ngập mặn Vĩnh Châu”, diễn ra tại trường Đại học Lâm nghiệp tại Hà Nội vào ngày 9/11.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS.NGƯT Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ: Trên thế giới, các-bon từ rừng ngập mặn được mệnh danh là các-bon xanh dương – một trong những loại các-bon có giá cao nhất. Việt Nam có khoảng 255 nghìn ha rừng ngập mặn, phân bố ở 28 tỉnh/thành ven biển của cả nước và có vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt.
Hiện nay, nước ta đã xác định khoảng 40 loại cây rừng ngập mặn phổ biến; tùy khu vực trồng những loại cây khác nhau, thổ nhưỡng khác nhau và mức độ tác động của con người tới hệ sinh thái cũng khác nhau. Để có thể xác định được giá trị về hấp thụ và tích lũy các-bon từ rừng ngập mặn cần có phương pháp đo lường, tính toán phù hợp, có độ mở rộng, linh hoạt để có thể đưa ra kết quả sát nhất với thực tế.
Trong 2 năm (từ 11/2022 - 10/2024), Viện Sinh thái rừng và Môi trường (thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp) đã phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đã triển khai kỹ thuật này tại rừng ngập mặn thuộc 3 xã Lai Hòa, Lạc Hòa và Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).
Các chuyên gia cùng với lực lượng kiểm lâm, cộng đồng địa phương đã thực hiện đo đếm sinh khối ngoài hiện trường và tính toán trữ lượng các-bon đối với 3 loại cây phổ biến ở Vĩnh Châu là bần, mắm, đước. Kết quả chỉ ra, cây Mắm có lượng tăng trưởng các-bon bình quân hàng năm cao nhất, lên tới 8,06 tấn/ha. Trong khi đó, cây Bần là 6,93 tấn/ha và Đước là 5,32 tấn/ha.
Mức tăng trưởng các-bon trung bình toàn khu vực là 6,77 tấn/ha/năm, tương đương 24,8 tấn CO2/ha/năm. Quy đổi mức giá các-bon rừng phổ biến trên thị trường tự nguyện hiện nay khoảng 5 - 10 USD/tấn CO2/ha, rừng ngập mặn Vĩnh Châu có thể mang về nguồn lợi kinh tế khoảng 124 - 248 USD/ha/năm. Khi so sánh với một số khu vực rừng khác từng đã có nghiên cứu đánh giá, trữ lượng các-bon rừng ngập mặn ở Vĩnh Châu cao hơn rừng trồng keo ở Thái Nguyên, tương đương với rừng tự nhiên phục hồi trên núi và rừng đước ở Cà Mau.
Với tính khoa học, chính xác và khả năng ứng dụng cao, phương pháp đo tăng trưởng carbon của nghiên cứu này đã được Cục Lâm nghiệp thẩm định và sử dụng để xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm các-bon rừng ngập mặn. Đây là lần đầu tiên, một hướng dẫn chuyên ngành trong lĩnh vực này được ban hành, áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thị, Tư vấn trưởng nhiệm vụ Đo lường carbon rừng ngập mặn Vĩnh Châu, Viện Sinh thái Rừng và Môi trường cho biết: Cùng với việc thể hiện rõ tiềm năng kinh tế, một trong những thành công của dự án là giúp người dân, cộng đồng địa phương làm chủ kỹ thuật đo đếm trữ lượng các-bon rừng ngập mặn.
Để đơn giản hóa hơn nữa, nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái rừng và Môi trường đang tiếp tục cải thiện và phát triển một ứng dụng tính toán trữ lượng carbon trên thiết bị di động. Người dân chỉ cần nhập những giá trị rất đơn giản như đường kính cây, chiều cao cây là có thể biết trữ lượng các bon ở khu rừng của mình – ông Thị cho biết.
Về tiềm năng nhân rộng, các địa phương có thể áp dụng phương pháp đo lường, tính toán như ở Vĩnh Châu với những hệ số điều chỉnh riêng nhằm nâng cao độ chính xác với thực tiễn địa phương. Khi chúng ta tính ra trữ lượng các-bon theo phương pháp đã được Nhà nước quy định, điều này làm tăng niềm tin với “khách hàng” về khả năng cung ứng cũng như chất lượng nguồn hàng tín chỉ các-bon của địa phương.
"Theo tôi được biết thì có nhiều các đơn vị, các nhà máy sản xuất đã liên hệ với các chủ rừng đặt vấn đề các chủ rừng để thu mua tín chỉ các-bon. Hiện nay khung pháp lý liên quan của Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Vậy, ngay từ bây giờ, việc nhân rộng phương pháp đo đếm này cũng là cách để địa phương, chủ rừng sẵn sàng tham gia thị trường các-bon ngay khi bắt đầu vận hành" - ông Thi nhấn mạnh.
Là người trực tiếp tham gia đo đếm các-bon rừng, chị Lê Thị Nữ, thành viên tổ bảo vệ rừng ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho cho biết: “Lúc đầu chúng tôi e ngại hoạt động này rất khó, các-bon rừng là điều gì đó rất mơ hồ. Tuy nhiên, sau 5 lần tham gia đo đếm các-bon cùng với các chuyên gia của Viện sinh thái rừng và Môi trường và các cán bộ kiểm lâm Vĩnh Châu, bây giờ, chúng tôi đã rất thành thạo. có thể hướng dẫn cho các thành viên khác của tổ bảo vệ rừng cũng như cộng đồng về cách giám sát carbon rừng, đo lường được sinh trưởng của cây rừng. Cứ mỗi lần đo, chúng tôi lại so với kết quả của lần đo trước. Thấy cây rừng lớn lên có nghĩa là trữ lượng các-bon rừng đang tăng lên”.
Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV): Các-bon có thể được nhìn nhận như một loại tài sản mới của hệ sinh thái rừng và có giá trị tiềm năng vì tạo ra thị trường và nguồn thu mới từ việc giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ các-bon của rừng. Kết quả của hoạt động này sẽ là cở sở để cộng đồng và các bên liên quan tại Vĩnh Châu thấy được giá trị đa dạng của rừng, trong đó giá trị kinh tế có thể thu được từ cacbon rừng sẽ là động lực để cộng đồng trồng rừng, bảo vệ rừng.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra phiên tọa đàm giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền, nhà khoa học và người dân xoay quanh các vấn đề kỹ thuật và khả năng ứng dụng phương pháp đo carbon vào việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn tại cộng đồng. Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, Cục sẽ tiếp tục kết nối để hỗ trợ xuất bản tài liệu, ấn phẩm, tổ chức tập huấn chuyển giao kết quả nghiên cứu, và có thể hướng dẫn tại hiện trường... Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò rừng ngập mặn cũng như kiến thức về quản lý đo lường, giám sát rừng, đo đếm trữ lượng các-bon rừng ngập mặn rừng ngập mặn, thúc đẩy họ tham gia nhiều hơn nữa.