Lợi ích kép từ dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Ngân| 08/11/2022 15:06

(TN&MT) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Góp phần bảo vệ môi trường

Theo Bộ NN&PTNT, chi trả DVMTR là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa nghề rừng, nâng cao giá trị gia tăng của rừng; huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR vào việc bảo vệ và phát triển rừng.

5-2-.jpg

Chính sách chi trả DVMTR giúp tạo sinh kế cho người dân.

Hiệu quả giữ nước: Trung bình mỗi ha rừng thực hiện cung ứng DVMTR đối với loại hình dịch vụ cung ứng và điều tiết nguồn nước của nhà máy thủy điện ở miền Bắc giữ được 3.162m3/ha nước để cung cấp cho thủy điện trong mùa khô, tương tự, miền Trung 3.235m3/ha và Tây Nguyên là 2.898m3/ha; trung bình cả nước là 2.668m3/ha/năm.

Hiệu quả giữ đất: Trung bình mỗi ha rừng thực hiện cung ứng DVMTR đối với loại hình dịch vụ chống bồi lắng lòng hồ, lòng sông ở miền Bắc ngăn được lượng bùn cát xuống hồ là 6,95 tấn/ha/năm, miền Trung 6,48 tấn/ha/năm, Tây Nguyên là 6,17 tấn/ha/năm.

Thực hiện DVMTR đã góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên thông qua diện tích rừng được quản lý, bảo vệ bằng nguồn tiền DVMTR. Chỉ tính riêng năm 2019, diện tích rừng cung ứng DVMTR và được chi trả tiền DVMTR là 6.576.508ha trên tổng diện tích rừng của cả nước là 14.609.222ha (chiếm 45%). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên cung ứng và được hưởng tiền DVMTR chiếm trên 90%. Tỷ trọng diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất cung ứng DVMTR và được chi trả tiền DVMTR tương đương nhau và đều trên 40%. Các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc là những vùng trọng điểm về phòng hộ đầu nguồn, cũng là vùng nghèo nhất của cả nước đều có diện tích cung ứng DVMTR và được chi trả DVMTR chiếm trên 20% càng khẳng định vai trò rất quan trọng của DVMTR đối với mục tiêu kép vừa thực hiện tốt chức năng phòng hộ vừa góp phần giảm nghèo.

Hằng năm, có trên 250.000 hộ gia đình được chi trả tiền DVMTR. Giai đoạn 2011 - 2020, số hộ gia đình này đã được chi trả 3.647 tỷ đồng, tạo thêm nguồn thu bằng tiền mặt vào khoảng 15%, giúp giảm bớt khó khăn, giảm nghèo, phát triển sản xuất. Đồng thời, với việc chi trả ổn định bình quân 50 triệu đồng/cộng đồng/năm đã giúp các cộng đồng tạo lập được mối liên kết chặt chẽ, nâng cao nhận thức và năng lực tự quản lý bảo vệ rừng. Mối quan hệ giữa cộng đồng với các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng được đẩy mạnh, xung đột lợi ích từ rừng ngày càng giảm, góp phần cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.

Ngoài ra, chính sách DVMTR đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động của 250.000 hộ gia đình và 10.000 cộng đồng với nhận thức về quyền quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ rừng. Đây chính là động lực mạnh mẽ thu hút người dân bảo vệ và phát triển rừng.

Phát huy tiềm năng phát triển DVMTR

Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, chi trả DVMTR chủ yếu thực hiện dịch vụ duy trì nguồn nước, bảo vệ đất, chống bồi lắng lòng hồ cho sản xuất thủy điện hoặc một số dịch vụ khác như cung cấp nước sạch, cung cấp nước công nghiệp, du lịch sinh thái ở quy mô nhỏ, chiếm tỷ trọng thấp. Hiện còn nhiều dư địa, tiềm năng lớn cho phát triển DVMTR như: dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững. Đây là một trong những thuận lợi để định hướng phát triển chi trả DVMTR thời gian tới.

5-3-.jpg

Tính đến năm 2020, có 215 ban quản lý rừng đặc dụng và ban quản lý rừng phòng hộ nhận 7.406 tỷ đồng (chiếm 54% tổng số tiền DVMTR) trả cho bên cung ứng DVMTR; 88 công ty lâm nghiệp nhận số tiền 1.617 tỷ đồng (chiếm 12%); 170.089 chủ rừng là hộ gia đình và cá nhân nhận 984 tỷ đồng (chiếm 7%); 8.067 chủ rừng là cộng đồng nhận 1.920 tỷ đồng (chiếm 14%); 1.432 UBND xã và các tổ chức khác không phải là chủ rừng nhưng được Nhà nước giao rừng để quản lý đã nhận 1.837 tỷ đồng (chiếm 13%).

Để tiếp tục phát huy tiềm năng từ DVMTR, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan hoặc ban hành các nghị định, thông tư mới. Trong đó, sẽ tập trung vào mở rộng đối tượng DVMTR đã và đang thực hiện và tổ chức thực hiện các loại hình dịch vụ mới như dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái bên ngoài phạm vi khu rừng nhưng có sử dụng vẻ đẹp cảnh quan do rừng tạo ra; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn và bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.

Đồng thời, quy định lại cách tính đơn giá bình quân chi trả cho 1ha rừng đối với tiền thu DVMTR từ các nhà máy thủy điện bậc thang theo hướng tách tiền chi trả đối với loại hình dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối cho những diện tích rừng nằm trên lưu vực của từng nhà máy thủy điện; tiền chi trả đối với loại hình dịch vụ điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội cho những diện tích rừng nằm trên tất cả các lưu vực của các nhà máy thủy điện bậc thang. Quy định lại cơ chế điều chỉnh khi chi trả tiền DVMTR chênh lệch quá lớn giữa các tỉnh có rừng trong cùng lưu vực sông. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin để xác định diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR hằng năm; xây dựng bản đồ chi trả DVMTR; xây dựng hệ thống và vận hành hệ thống giám sát đánh giá rừng để giúp công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng bền vững, công tác chi trả DVMTR ngày càng chính xác, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kép từ dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO