Biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó hạn mặn

Khánh Ly 14/03/2024 - 09:21

(TN&MT) - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang trong đợt xâm nhập mặn tăng cao. Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính phổ biến trong khoảng 50 - 60km. Trước những thông tin dự báo sớm ngay từ đầu mùa khô, các địa phương đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tác động của hạn, mặn.

Không chủ quan trước cảnh báo thiên tai

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, hiện nay, mực nước từ đầu nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 24% và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10%. Mực nước các trạm nội đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 20 - 35cm và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10cm.

anh-2(2).jpg
Vòi nước công cộng tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang hiện đảm bảo cung cấp nước miễn phí cho người dân

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, chính quyền địa phương và người dân cần thường xuyên theo bản tin dự báo xâm nhập mặn để chủ động việc sử dụng nước. Hiện nay, cơ quan khí tượng thủy văn thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn định kỳ cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tại địa phương. Khi mặn tăng đột xuất sẽ có bản tin tăng cường để phục vụ kịp thời. Các thông tin được chuyển tải trên Zalo, facebook, nhóm phòng chống thiên tai địa phương.

Bản tin tuần dự báo 7-10/ngày dự báo độ mặn cao nhất đến từng điểm quan trắc, dự báo ranh mặn 1‰ và 4‰ đến từng sông chính trên địa bàn tỉnh, số liệu độ mặn được cập nhật gửi đến các địa phương hàng ngày tại các điểm quan trắc. Các bản tin dự báo dài hạn 1 - 2 tháng được cập nhật với tần xuất 10 ngày/lần. Lưu ý các khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng cây ăn quả, người dân nên kiểm tra độ mặn khi sử dụng nước để tránh thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong thời gian cao điểm hiện nay.

Cơ quan khí tượng đã cảnh báo, độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện vào đợt triều từ ngày 13 - 16/3. Trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰, xâm nhập sâu khoảng 22km. Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 50km. Theo ông Lê Quốc Việt - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực, tỉnh Kiên Giang và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn. Qua đó, kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Chi cục Thủy lợi đã chủ động vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với các cơ quan liên quan vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô đảm bảo an toàn cho sản xuất. Từ ngày 14 - 17/3, các phương tiện giao thông đường thủy nội địa tại khu vực cống Cái Lớn và cống Cái Bé bị hạn chế, do tất cả các cửa cống sẽ đóng hoàn toàn để ngăn mặn. Chi cục cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống cống trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành lệnh xây dựng khẩn cấp công trình đắp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên (thuộc địa bàn xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương). Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành và trực tiếp bảo vệ khoảng 50.000ha lúa đông xuân 2023 - 2024 của huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành. Ngoài ra, từ đầu mùa khô đến nay, tình hình nguồn nước cung cấp đầu vào cho các nhà máy nước, các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh và hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân cơ bản ổn định.

Tại Bến Tre, theo Sở NN&PTNT tỉnh, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm (giai đoạn từ 2012 - 2023). Đài Khí tượng thủy văn dự báo tình hình xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính trong tháng 3/2024; theo đó độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55 - 69km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70 - 79km.

Thực tế, Đài Nam Bộ và Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra cảnh báo hạn, mặn cho các tỉnh ĐBSCL từ tháng 9/2023. Thực hiện theo khuyến cáo từ cơ quan khí tượng thủy văn và Cục Trồng trọt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai kèm theo phương án ứng phó cụ thể với hạn hán, xâm nhập mùa khô năm 2023 - 2024 ngay sau đó.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, nhiều giải pháp công trình đã được triển khai thời gian qua, như đắp các đập lớn, nhỏ ngăn mặn trên các sông, kênh rạch, kể cả đập cục bộ để giữ nước ngọt nhằm đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, đặc biệt là bảo vệ các vùng cây ăn trái.

Tỉnh đã chỉ đạo công tác vận hành, đóng mở cống ngăn mặn sao cho hợp lý, vừa ngăn mặn, trữ ngọt vừa tránh ô nhiễm. Đồng thời, chỉ đạo các nhà máy nước liên kết chia sẻ nước, dùng xà lan, xe bồn chở nước ngọt thô về xử lý để cung cấp cho người dân. Hiệu quả đến nay cho thấy, tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp nước sinh hoạt cũng như sản xuất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là vẫn đảm bảo cung cấp nước cho các khu, cụm công nghiệp.

Tại Tiền Giang, Sở NN&PTNT vừa thực hiện kiểm tra các huyện phía Đông, nhìn chung, hiện nguồn nước sinh hoạt cơ bản đảm bảo phục vụ người dân.

Hạn mặn vẫn còn gay gắt

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do chịu tác động của hiện tượng El Nino nên khu vực ĐBSCL hầu như không mưa, ngày nắng kéo dài, nắng nóng đã xuất hiện và còn xuất hiện nhiều đợt trên khu vực cho đến tháng 5/2024. Cùng với đó là lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt từ 5 - 12% so với trung bình nhiều năm. Tình trạng hạn hán kết hợp với xâm nhập mặn sẽ gây thiếu nước ảnh hưởng đến nước sinh hoạt cũng như nước để sản xuất nông nghiệp.

anh-1(3).jpg
Cống thủy lợi tuyến đê biển An Biên - An Minh (nằm trên địa bàn xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Đợt xâm nhập mặn hiện tại và dự báo một đợt nữa từ 7 - 12/4 là cao điểm của mùa khô, với ranh mặn 4g/l tại các cửa sông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2023. Cụ thể, trên các sông Vàm Cỏ ranh mặn từ 80 - 90km, cửa sông Cửu Long từ 45 - 65km, sông Cái Lớn từ 40 - 50km. Các tỉnh bị tác động nhiều nhất là Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Nhằm tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các địa phương khu vực ĐBSCL khẩn trương tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; chỉ tổ chức xuống giống khi có mưa, hoặc khi nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi cần được tăng cường để các địa phương lấy và tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh. Các vùng cây ăn quả tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Các địa phương phải khẩn trương xác định cụ thể khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Chủ động sử dụng các nguồn kinh phí do địa phương quản lý để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, đào ao, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục... Trường hợp cần thiết, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO