Nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long: Ráo riết tìm lời giải
(TN&MT) - Nằm trong vùng khí hậu nhạy cảm và đặc thù địa chính trị, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Trước khi đạt được các giải pháp lâu dài, bền vững về nước, bài toán nước ngọt trước mắt đang được các cơ quan chức năng, địa phương ráo riết tìm lời giải.
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Từ nửa cuối tháng 11/2023 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn liên tiếp xảy ra, đỉnh điểm là tháng 3/2024. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8 - 13/3 với ranh mặn 4%o vào sâu 40 - 66km, có nơi sâu hơn. Từ ngày 24/3, ĐBSCL bước vào đợt xâm nhập mặn mới, phạm vi xâm nhập mặn tại một số địa phương dao động từ 40 - 90km.
Xâm nhập mặn cùng với nắng nóng đang đặt ĐBSCL trước tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng.
Trong bối cảnh hạn, mặn diễn ra khốc liệt, các giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất cho ĐBSCL đang làm nóng nhiều hội thảo, hội nghị.
Mới đây nhất, Hội thảo “Sống chung” với hạn, mặn vùng ĐBSCL do Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia độc lập về môi trường, biến đổi khí hậu, trồng trọt, nước sạch; đại diện sở, ngành các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang cùng đại diện lãnh đạo chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi, nước sạch. Tại Hội thảo, nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất, trong đó, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề cấp thiết giải quyết nhu cầu nước sạch, nước ngọt cho người dân.
Trước đó, tại Hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 do Bộ NN&PTNT tổ chức và trong nhiều chuyến làm việc giữa Bộ NN&PTNT với một số tỉnh ĐBSCL, rất nhiều ý kiến đề xuất phương án dẫn nước ngọt từ các sông về ứng cứu cho các tỉnh ĐBSCL.
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, ĐBSCL, đặc biệt là Bến Tre và Cà Mau là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ xâm nhập mặn. Hiện đề xuất trên đã được cơ quan khoa học của Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan độc lập khác nghiên cứu.
Đối với Cà Mau, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, khác với 12 tỉnh thành ĐBSCL, Cà Mau chỉ có tích nước tại chỗ (nước mưa) mà không có nguồn nước nào bổ sung.
Đây là một vấn đề rất lớn nên Bộ đã có 3 giải pháp mang tính lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, trước mắt, để giải quyết vấn đề thiếu nước ở Cà Mau, Bộ đang nghiên cứu hai giải pháp: Thứ nhất, Bộ sẽ cùng tỉnh Cà Mau làm cống âu thuyền Tắc Thủ ngăn nước mặn chảy từ biển vào Cà Mau. Thứ hai, tính toán việc chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé qua kênh Chắc Băng và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về, giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt cho bắc Cà Mau và nam Cà Mau.
Tại buổi làm việc với Bến Tre, đại diện UBND tỉnh Bến Tre cho biết, ý tưởng dẫn nước ngọt về các tỉnh hạ nguồn đã được lãnh đạo tỉnh Bến Tre manh nha từ sau đợt hạn mặn 2019 - 2020. Trong bối cảnh thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, Bến Tre đề xuất cần nghiên cứu đến phương án đầu tư dẫn nước ngọt từ sông Đồng Nai về để không chỉ phục vụ riêng cho tỉnh Bến Tre mà còn các địa phương khác như Tiền Giang, Long An. Thậm chí có thể dùng nước được dẫn từ sông Đồng Nai về để đẩy lùi nước mặn trên các nhánh sông Mê Kông.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, việc dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre và các tỉnh lân cận trước mắt sẽ không thực hiện. Vì thứ nhất, nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai hiện đang thiếu. Dù lưu vực sông Đồng Nai đã có hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… hiện tại cũng đang thiếu 5 tỷ m3 nước mỗi năm. Đây là vấn đề rất quan trọng và trong quy hoạch thủy lợi sắp tới, Bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu, tính toán các giải pháp để dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Thứ hai, ngay tại Bến Tre, Bộ và các cơ quan chức năng đang triển khai một số giải pháp để người dân Bến Tre và Tiền Giang có đủ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt. Ở bắc Bến Tre, Bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre (dự án JICA 3). Theo kế hoạch đến hết năm 2025 cơ bản sẽ xong, khi đó có một số cống lớn như cống Bến Tre, cống Thủ Cửu… đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất. Ở nam Bến Tre, Bộ sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để làm cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong, khi hoàn thiện sẽ đảm bảo nước cho khu vực.
Trước tình hình xảy ra các đợt cao điểm về xâm nhập mặn dẫn đến khan hiếm nước, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần thị sát, nắm tình hình, đồng thời, ra công điện yêu cầu các bộ, địa phương ĐBSCL tập trung ứng phó xâm nhập mặn; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.