Hậu Giang: Hơn 92% hộ dân thực hiện phân loại rác sinh hoạt
(TN&MT) - UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Báo cáo kết quả sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, sau gần 4 năm triển khai Đề án, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt 92,13%; trong đó, khu vực đô thị là 93,60%, khu vực nông thôn 91,53%; tỷ lệ CTRSH phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 91,43%; thành lập và đi vào hoạt động 434 tổ vệ sinh môi trường ở các ấp, khu vực; vận động hơn 3.580 hộ chăn nuôi gia sức, gia cầm, nuôi trồng thủy sản không phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường thực hiện ngừng nuôi hoặc di dời đến nơi phù hợp quy hoạch; thu gom, chuyển giao xử lý hơn 43.970 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thông qua Đề án, tỉnh Hậu Giang cũng đã đưa nội dung chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào quy chế, quy ước và bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa tại 75/75 xã, phường, thị trấn; 96,04% tổng số hộ dân đã được tiếp cận với các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường do các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức; đầu tư 1.125 xe kéo tay thu gom rác sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng và lắp đặt gần 6.200 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và thùng chứa dọc theo các tuyến đường giao thông.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên thì trong quá trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh cũng đã gặp một số khó khăn, hạn chế như công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường chưa thật sự đi vào chiều sâu, rộng rãi đến đối tượng hộ gia đình, cá nhân; việc phân loại CTRSH tại nguồn của hộ gia đình tuy đạt tỉ lệ tương đối cao nhưng chưa được triệt để; một số điểm tập kết CTRSH chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng còn thấp; vẫn còn tình trạng hộ dân vứt rác, xác súc vật chết ra môi trường.
Trong thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn và hạn chế, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công cụ thể trong Đề án; trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân các giải pháp về bảo vệ môi trường, nhất là việc phân loại, thu gom, xử lý CTRSH phát sinh; rà soát, bố trí quỹ đất đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các vị trí tập kết chất thải đảm bảo thuận tiện và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư bổ sung xe thu gom CTRSH, thùng chứa rác, bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tăng cường hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom CTRSH; mạnh dạn xử phạt nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bao gói bảo vệ thực vật và các loại chất thải khác trái quy định.