Tài nguyên

Khát vọng thoát nghèo từ tư duy “không cho đất nghỉ”

Trần Hương 31/07/2023 - 17:24

(TN&MT) - “Nghèo không có tội. Nhưng sống trên bạt ngàn đồi núi, nương rãy phì nhiêu mà mình nghèo là có lỗi với cha ông, có lỗi với…chính mình và con cháu. Chỉ có con người phụ đất. Chứ đất đâu biết phụ người…” Cụ ông Pờ Dần Sinh, người dân tộc Hà Nhì ở Mường Nhé (Điện Biên) mở đầu câu chuyện xóa đói giảm nghèo của địa phương bằng câu mở đầu như thế.

“Bàn tay ta làm nên tất cả…”

Mặt trời gác non, tôi theo chân cán bộ kiểm lâm huyện đi từ Trung tâm huyện Mường Nhé vào xã Sín Thầu, đây là địa phương khởi sắc nhất của huyện biên giới Mường Nhé về kinh tế - xã hội. Nơi có nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo chân chính mà ở đó con người biết dựa hoàn toàn vào đất. Sống nhờ đất. Làm giàu nhờ đất… và chưa bao giờ họ bằng lòng với số phận, chấp nhận cái nghèo như đinh mệnh rằng: “số Giàng bắt mình phải thế”.

Một trong những lí do để chúng tôi lên đường tìm hiểu, bắt nguồn từ một phong trào từ đất có tên gọi: “không cho đất nghỉ” mà ở đó khởi xướng phong trào bắt nguồn từ Ban thường vụ Huyện ủy Mường Nhé. Nghe đâu, người đứng đầu cấp ủy huyện Mường Nhé, ông tốt nghiệp từ ngành lâm nghiệp và nguyên là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Điện Biên… Còn người đứng đầu chính quyền huyện, nguyên là đại biểu HĐND tỉnh khóa trước. Phải chăng, lẽ đó mà họ nhạy cảm, thấu hiểu về những khó khăn của người dân của huyện mình đang thiếu đất sản xuất(!?)

a1(2).jpg
Làm giàu từ đất, đảm bảo an ninh lương thực giúp người dân xóa đói giảm nghèo

“Việc thiếu đất sản suất đối với người dân Mường Nhé là một thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó, lại có rất nhiều diện tích đất bị người dân bỏ hoang hoặc chỉ trồng lúa 1 vụ, chưa phát huy hết được giá trị, tiềm năng từ đất…Nếu người dân biết thâm canh tăng vụ, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật làm tăng giá trị, hiệu quả từ diện tích đất của mình, thu nhập sẽ được nâng lên, sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất canh tác. Nạn phá rừng làm nương và di cư tự do sẽ giảm. Yếu tố gây an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ được kiểm soát và đó cũng chính là mục tiêu lớn nhất của phong trào “không cho đất nghỉ” của chúng tôi. – Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, Bùi Minh Hải cho hay.

Mường Nhé! Nhắc đến tên địa danh đã thấy xa xôi và diệu vợi. Nơi đây, rất nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng di cư tự do, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở các nơi đổ dồn vào Mường Nhé định cư. Tình trạng người dân di cư phá rừng làm nương, tranh chấp, chiếm dụng đất canh tác…làm cho huyện Mường Nhé mất an ninh, trật tự xã hội… và đó cũng là một trong những lí do khiến cho các thế lực xấu lợi dụng kích động đồng bào xảy ra vụ bạo động năm 2011 hết sức nghiệm trọng và phức tạp. Và thiếu đất canh tác là một trong những khó khăn mà nhiều năm trở lại đây Mường Nhé đang phải đối mặt.

a.jpg

Với phong trào “không cho đất nghỉ” của huyện Mường Nhé, tại thời điểm này có thể đánh giá là một cơ sở vững chắc nhất, biện pháp khả dĩ nhất có thể giải quyết câu chuyện thiếu đất canh tác của người dân và hướng đến việc sử dụng đất hiệu quả, hợp lí… biện pháp thoát nghèo bền vững. Không có con đường nào bền vững bằng dân lao động có tư liệu sản xuất trong tay.

Phong trào “không cho đất nghỉ” hướng đến giảm nghèo

Trước giải pháp đó, cũng có không ít người lo ngại về tính khả thi của phong trào “không cho đất nghỉ” của huyện Mường Nhé và phong trào đó mới được phổ biến bắt đầu từ năm 2023.

“Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền xuống mọi tầng lớp Nhân dân, để người dân Mường Nhé nâng cao nhận thức, biết thâm canh tăng vụ, tăng năng suất. Từ đó góp phần cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi đất chuyên lúa sang luân canh lúa - màu thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nhiều diện tích trước đây bị bỏ hoang người dân cũng cải tạo để trồng các loại cây phù hợp như: Cây sắn, cây lạc, khoai hay bí xanh…” - Ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết.

Ông chia sẻ: Chúng tôi sẽ chuyển đổi 1.000ha đất trồng lúa nương sang trồng ngô, chuyển 2.000ha đất nương luân canh sang trồng cây quế để tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, không lãng phí. Tuy nhiên, khi phát động phong trào “không cho đất nghỉ” chúng tôi xác định. vấn đề khó khăn nhất là khiến người dân thay đổi tư duy làm kinh tế thay cho việc đảm bảo lương thực ăn đủ trong năm. Song, do làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền tốt nên nhiều người dân đã bắt đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã triển khai nhiều mô hình thâm canh hiệu quả. Ví dụ như mô hình: trồng khoai tây, lạc, ngô, đỗ… trên đất nướng 1 vụ ở một số xã Mường Nhé, Sín Thầu, Mường Toong…Tuy diện tích chưa nhiều, nhưng cũng đã làm cho người dân thay đổi tư duy, nhận thức. Nhiều diện tích đất hoang được cải tạo, mở rộng diện tích lúa nước, rau màu...

a2(2).jpg
Nhiều diện tích đất trên địa bàn huyện Mường Nhé đã phát huy được hiệu quả. Ảnh: Diệu Ninh

Có thể thấy, phong trào “không cho đất nghỉ” tại huyện Mường Nhé, từng bước giúp người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp.

Từ bao đời nay, người dân Mường Nhé đã gắn liền với nương rãy ruộng đồng “tay làm hàm nhai”. Nếu vỡ đất của đời cha thì đó là niềm vui hãnh diện hái quả của đời con. Có ấm no nào lại không đổ mồ hôi. Và đó cũng là câu chuyện, là thành quả của hầu hết người dân tộc Hà Nhì ở xã Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn của Mường Nhé. Họ đã đi đầu phong trào vượt khó từ những thập kỷ xa xưa, nhờ đó mà con cháu họ được học hành đỗ đạt, nhiều người đã trở thành những cán bộ đảng viên gương mẫu ở xã, ở huyện và ở cả tỉnh Điện Biên. Nói đến phong trào “không cho đất nghỉ”, người có uy tín của cộng đồng Hà Nhì ở Mường Nhé, cụ ông Pờ Dần Sinh nói bằng cả kinh nghiệm của đời mình, kinh nghiệm của người nông dân thứ thiệt vươn lên làm giàu từ đất. “Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho diện tích đất canh tác không đủ.

So với người miền xuôi thì chúng tôi trên này đất nhiều hơn gấp mấy lần họ. Nhưng họ đâu có đói, đâu có nghèo. Là vì họ biết tính toán làm ăn, họ biết thâm canh tăng vụ. Cắt cây lúa là gieo hạt ngô vào gốc dạ, gốc dạ cấp ẩm, phân dã thành mùn cung cấp lại dưỡng chất cho ngô. Khi ngô chín, họ lại làm đất trồng khoai. Hết mùa khoai lại cấy lúa… cứ như thế thì làm sao nghèo đói? Người Hà Nhì chúng tôi và nhiều gia đình người Mông ở một số xã lân cận cũng học họ cách làm như thế. Trước cũng đã làm nhưng không thể bằng người miền xuôi... Nay mang câu chuyện của người miền xuôi lên chúng tôi áp dụng, nếu không lười làm chắc chắn sẽ ấm no, nhà nhà sẽ sung túc. Đừng nói không biết làm, như thế là càn quấy… Càng làm mới càng rút ra kinh nghiệm, chỉ có lao động mới không ngừng sáng tạo. Đúng không? Tôi nói đúng không?”- Ông Xinh hỏi.

a3(1).jpg
Phong trào " Không cho đất nghỉ" tại huyện Mường Nhé từng bước giúp người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Ảnh: Diệu Ninh

Hiện nay, diện tích đất thâm canh tăng vụ của cả huyện Mường Nhé chỉ đạt khoảng vài chục héc - ta. Khi mô hình “không cho đất nghỉ được nhân rộng” với sự hậu thuẫn của các cấp chính quyền địa phương, sự siêng năng cần cù của người dân sẽ giải quyết được phần nào thiếu hụt đất sản xuất trong khi diện tích lâm nghiệp, nông nghiệp chưa sử dụng của huyện Mường Nhé hiện nay đang đứng top đầu của tỉnh Điện Biên, khoảng hơn 2.000ha. Song, đó chưa phải là tất cả mà vượt lên trên đó là tư duy về cách làm giàu trên diện tích đất hiện có của người dân.

Phong trào “không cho đất nghỉ” của Ban thường vụ Mường Nhé đó là một phát hiện mới, một giải pháp có giá trị khoa học, xã hội nhân văn đánh thức mọi người cùng quan tâm đến một nguồn tư liệu sản xuất sẵn có của địa phương. Giải quyết được bài toán thiếu hụt đất canh tác ở nơi đây. Và đó cũng là con đường đảm bảo an ninh lương thực, xa hơn nữa là con đường làm giàu từ đất, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng thoát nghèo từ tư duy “không cho đất nghỉ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO