Tài nguyên

Khôi phục 17ha rừng đặc dụng tại Long An

Bạch Thanh 22/11/2024 - 17:56

(TN&MT) - Ngày 22/11, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Khu Bảo tồn Đất ngập nước (KBT ĐNN) Láng Sen tổ chức tổng kết dự án phục hồi 17ha rừng tràm đặc dụng tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An để nhằm đánh giá tác động của dự án đối với môi trường, đánh giá tích tụ carbon, đồng thời thảo luận tiềm năng và cách thức xin xác nhận, mua bán tín chỉ carbon từ rừng trồng.

h1.jpg
Ông Nguyễn Thanh Phong, đại diện IUCN thông tin về dự án

Thông tin tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Thanh Phong, Quản lý chương trình Đồng bằng sông Cửu Long của IUCN Việt Nam cho biết: Dự án này được thực hiện bởi IUCN và KBT ĐNN Láng Sen với nguồn tài trợ của Tập đoàn PAN và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) từ năm 2022 -2024. Sau hai năm thực hiện dự án, IUCN Việt Nam đã phối hợp với KBT ĐNN Láng Sen để trồng và khôi phục 17ha rừng với số lượng 340.000 cây tràm, cùng với các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho khoảng 500 học sinh tại các trường học trong vùng đệm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, công tác truyền thông nơi đây không những giúp người dân vùng đệm, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết hơn về giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước, mà còn hỗ trợ KBT ĐNN Láng Sen vận động sự chung tay của cộng đồng vào công tác bảo tồn. Đặc biệt, khu rừng đặc dụng này có chức năng sinh thái như góp phần điều hòa khí hậu, tái tạo lại môi trường sống của các loài chim và loài thủy sinh. Hơn nữa, với nguồn vốn từ doanh nghiệp được sử dụng để hỗ trợ trồng rừng, hy vọng việc phôi phục hệ sinh thái này có thể giúp giảm thiểu khí carbon, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

h2.jpg
Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc KBT ĐNN Láng Sen phát biểu tại buổi tổng kết

Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc KBT ĐNN Láng Sen cho hay, tác động của việc khôi phục 17ha rừng tràm trong tiểu khu 11 KBT ĐNN Láng Sen sẽ giúp cho đơn vị thực hiện tốt việc phục hồi, bảo tồn loài, cảnh quan tự nhiên đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai trong khu vực, đồng thời, rừng tràm sau khi được trồng sẽ là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của các loài thủy sản, bò sát và nhất là các loài chim nước quý hiếm. Do đó, đơn vị ghi nhận và đánh giá cao việc hỗ trợ của đơn vị tài trợ đã góp phần giúp Khu Bảo tồn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ đã được Sở NN&PTNT Long An giao.

Đại diện đơn vị tài trợ, bà Phạm Thúy Ngọc - Trưởng phòng Pháp chế Tập đoàn PAN kỳ vọng dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và gìn giữ khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam, nhằm tăng cường diện tích che phủ cây xanh, chống lại biến đổi khí hậu và giảm phát thải CO2. Thuộc khuôn khổ của dự án Nguồn sống lâm sinh được Tập đoàn PAN khởi xướng từ 2020 với mục tiêu trồng được 01 triệu cây xanh đến 2030, Dự án này tiếp tục đóng góp vào kết quả 340.000 cây xanh trên 17ha rừng tại địa phương, không chỉ phủ xanh mà còn hỗ trợ sinh kế cho người dân bản địa. "Sau kết quả nghiệm thu về số lượng, Tập đoàn sẽ theo sát dự án để tiếp tục đánh giá tác động đối với môi trường và xã hội theo lộ trình đã cam kết và hy vọng sẽ nhận được kết quả khả quan", bà Ngọc cho hay.

h3..jpg
Khu vực dự án 17ha rừng đặc dụng vừa được phục hồi

Cỏn theo đại diện C.P. Việt Nam, dự án trồng và phục hồi 17ha rừng tràm đặc dụng với số lượng 340.000 cây cũng thuộc một phần trong chương trình “C.P. Việt Nam - Hành trình vì một Việt Nam xanh 2021 - 2025”, hướng tới việc trồng 1.500.000 cây xanh trên toàn quốc, bao gồm 500.000 cây xanh trong hệ thống của công ty, nhà máy và trang trại và 1.000.000 cây thông qua hợp tác với các tỉnh, ban ngành đóng góp tích cực vào chiến dịch trồng cây xanh tại các địa phương, từ đó góp phần vì một Việt Nam xanh và bền vững.

KBT ĐNN Láng Sen được thành lập đầu năm 2004, chịu trách nhiệm quản lý 1.971ha là vùng lõi của đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, trên địa phận của 3 xã: Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An). Đây là một trong số ít các khu vực ngập nước nội địa tự nhiên còn lại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều hình thái địa mạo, đã tạo ra hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng đa dạng, phong phú: đầm lầy, đồng cỏ ngập theo mùa, rừng tràm, đai rừng ven sông, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật hoang dã. KBT Láng Sen được UBND tỉnh Long An phê duyệt kế hoạch trồng mới 110ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ biên giới giai đoạn 2021-2025. Tính đến 2023, Khu Bảo tồn đã trồng được 80ha trên diện tích được phê duyệt. Tại nơi đây còn nhiều diện tích rừng đã bị mất hoặc suy thoái cần được khôi phục và cần sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội và doanh nghiệp.

h4(1).jpg
Các đại biểu tham dự buổi tổng kết

Phát biểu tại chương trình, các chuyên gia lâm nghiệp, nhà quản lý, tổ chức bảo tồn thiên nhiên tham dự tổng kết đều đánh giá rằng, việc khôi phục diện tích rừng tràm bị suy thoái tại KBT ĐNN Láng Sen sẽ góp phần phục hồi hệ sinh thái vùng ngập lũ, trữ nước ngọt, hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu và hoàn thành kế hoạch trồng rừng do UBND tỉnh Long An đã phê duyệt cho Khu Bảo tồn. Do đó, những kết quả từ dự án phục hồi rừng như IUCN và KBT ĐNN Láng Sen đang thực hiện cần được phát triển và nhân rộng hơn để không chỉ góp phần phục hồi đa dạng sinh học mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn các vùng đất ngập nước tại Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận khả năng nhân rộng của dự án; đánh giá tác động của dự án đến với môi trường và KBT ĐNN Láng Sen; đồng thời, đánh giá tích tụ carbon thông qua ứng dụng Karbonmap và chia sẻ kinh nghiệm, đánh gía tiềm năng, cách thức xin xác nhận và mua bán tín chỉ carbon từ trồng rừng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục 17ha rừng đặc dụng tại Long An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO