Hiện Bắc Yên có 6 xã thuộc hồ chứa thủy điện Hòa Bình gồm: Chiêng Sại, Tạ Khoa, Song Pe, Muờng Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà với hơn 128 ha diện tích đất bán ngập. Nhiều năm qua, việc khai thác phần diện tích đất bán ngập trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định về quản lý, sử dụng đối với diện tích này. Trước đây, khi chưa có nhà máy thủy điện Sơn La thì thời gian không ngập thường ổn định và kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, lượng phù sa lớn, đất phì nhiêu, nước cạn đến đâu, bà con gieo sạ đến đấy, đất phì nhiêu nên năng suất lúa, ngô cao, chỉ cần làm 1 vụ đủ ăn cả năm. Nhưng khi nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, thời gian sử dụng đất bán ngập ngắn hơn và không ổn định. Các xã không quản lý diện tích đất bán ngập, hồ sơ địa chính của xã cũng không có bản đồ hay sơ đồ đất bán ngập, không có các hướng dẫn cho nông dân về thời vụ, lịch gieo cấy, cơ cấu giống trên đất bán ngập. Người dân chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm và thậm chí khi gieo cấy xác định trước khả năng cho thu hoạch chỉ 50%. Nhiều hộ dân đã không còn thiết tha trồng trọt trên diện tích này nữa mà dần chuyển dịch lên sườn đồi, phát rừng làm nương rẫy để trồng ngô.
Theo bà Nguyễn Thị Nương, Trạm phó Trạm Khuyến nông Bắc Yên thì nhiều diện tích đất bán ngập trên địa bàn không có khả năng sử dụng để sản xuất do thời gian nước rút và ngập kéo dài trong vòng 2-3 tháng, không kịp thời vụ gieo trồng hoặc có làm thì cho thu nhập bấp bênh, đôi khi thất thu, gây thiệt hại cho người dân. Hằng năm, trước khi đến đợt nước rút, Trạm cử cán bộ khuyến nông xuống từng xã hướng dẫn nguời dân kỹ thuật trồng các cây lương thực, hoa màu hiệu quả cao, rút ngắn thời gian và cho thu hoạch kịp thời như: trồng các giống cây ngắn ngày có thời gian sinh trưởng từ 95- 110 ngày (giống lúa Nhị ưu 63-838, CN2 hoặc các giống ngô bioxit, ngô lai LVN99, C919, đậu tương DT99...); mô hình trồng ngô trong bầu được chuẩn bị từ các tháng trước, nước rút đến đâu trồng ngô đến đấy.
Vẫn theo bà Nương, nhiều năm qua việc triển khai trồng trọt trên vùng bán ngập chưa đem lại kết quả mong muốn, bởi người dân còn tâm lý sợ rủi ro khi sản xuất trên diện tích này. Được biết, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng đã xây dựng một số mô hình trồng trọt gắn với chăn nuôi như trồng cỏ voi, trồng ngô lấy thân, lá ủ chua cho trâu bò ăn. Hiệu quả kinh tế mang lại cao, lại là điều kiện rất tốt trong sản xuất và tích trữ nguồn thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc ăn cỏ, nhất là các trang trại chăn nuôi quy mô tập trung. 1 ha ngô trồng làm thức ăn ủ ướp có thể thu 40-60 tấn/vụ, đem lại cho người dân 40-60 triệu đồng, cao hơn 2 lần so với trồng ngô lấy hạt.
Để bà con khai thác bền vững và có hiệu quả vùng đất bán ngập, huyện Bắc Yên nói riêng và các huyện vùng hồ thủy điện Hòa Bình nói chung cần có chương trình cụ thể cho việc sản xuất vùng bán ngập. Ngoài việc hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình mới vào sản xuất thì những nơi có diện tích đất bán ngập cần đưa vào chương trình sản xuất của bản, xã; khoanh vùng để trồng ngô theo kỹ thuật; ngăn chặn thả rông gia súc. Đồng thời, thông báo đến người dân biết về việc điều tiết nước lên xuống của hồ thủy điện để điều chỉnh cho kịp thời vụ.