Tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dự án “Nâng cao khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến nguồn nước tại tỉnh Hậu Giang” và cho rằng, đây là dự án hết sức cần thiết đối với tỉnh trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc, chiều 2/8. Ảnh TTXVN |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng trao đổi với Đại sứ Phần Lan và một số đơn vị liên quan về những thông tin chi tiết của khoản vay thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xin ý kiến Bộ Tài chính về khoản vay; thông tin bảo trì, bảo dưỡng, chi phí thay thế, nâng cấp thiết bị đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình vận hành, khai thác, quản lý thiết bị khi triển khai dự án. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cam kết tỉnh sẽ bố trí nguồn lực để duy trì thiết bị sau khi kết thúc dự án.
Ông Kari Kahiluoto cho biết, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam sẵn sàng là đơn vị phục vụ cho các đối tác phát triển, thực hiện dự án và sẽ cố gắng cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho các bên liên quan để thực hiện nhiệm vụ. Các bên cũng cần đảm bảo tính bền vững, khả thi của dự án trong tương lai.
Dự án “Nâng cao khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến nguồn nước tại tỉnh Hậu Giang” có mục tiêu nâng cao năng lực của chính quyền cấp tỉnh trong việc quan sát, dự báo và phòng, chống thiên tai và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất thông qua các công nghệ, công cụ hiện đại của Phần Lan. Kết quả đầu ra của dự án sẽ đóng góp vào nỗ lực chung của tỉnh để đảm bảo phát triển bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Dự án gồm 4 hợp phần, gồm: các trạm quan trắc (hợp phần 1), truyền dữ liệu (hợp phần 2), tổng hợp và phân tích dữ liệu (hợp phần 3), phân phối dữ liệu (hợp phần 4).
Nguồn vốn của dự án được cấp thông qua công cụ hỗ trợ đầu tư công (PIF) của Chính phủ Phần Lan dành cho các nước đang phát triển. Dự án dự kiến triển khai trong năm 2022-2023. Công ty KaukoInternational Oy Phần Lan là tổng thầu sẽ cung cấp các công nghệ, chuyên gia và phối hợp với các đối tác cần thiết để triển khai dự án.
Ước tính, tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 15 triệu Euro (tương đương 417,5 tỷ đồng); trong đó, 10,5 triệu Euro là vốn vay ưu đãi và 4,5 triệu Euro là vốn viện trợ không hoàn lại.