Trong nước

Chủ động ứng phó giúp nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai

Trung Nguyên 10/05/2024 - 15:25

(TN&MT) - Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia; lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ủy ban quốc gia; đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác giảm nhẹ thiên tai… Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành đã tham dự Hội nghị.

10-5-32-.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều loại hình thiên tai do tác động của hiện tượng El Nino. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi sát tình hình, chủ động trong công tác chỉ đạo, ứng phó và so với nhiều năm, việc ứng phó đã hiệu quả hơn trên bình diện chung cả nước. Một điều rất đáng mừng là chất lượng dự báo khí khi tượng thủy văn đã tiến bộ hơn.

1 năm gần 2.000 trận thiên tai

Nhìn lại công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết: Thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng.

Đây là năm bất thường khi số lượng bão, ATNĐ ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Dù vậy, thiệt hại vẫn lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc, xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.

10-5-34-.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị

Tổng cộng trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người thiệt mạng, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng .

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long (nghiêm trọng nhất tại khu vực Cà Mau); hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ); nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển… Thiên tai đã làm 14 người thiệt mạng, mất tích; thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Để tăng cường hiệu quả công tác PCTT&TKCN, thời gian qua, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đã tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ huy các cấp. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, với điểm nhấn là Quốc hội đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự đang được hoàn thiện và Luật Tình trạng khẩn cấp đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng.

10-5-18-.jpg
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành đã tham dự Hội nghị

Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2024; đã trình Nghị định sửa đổi Nghị định 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Sẵn sàng ứng phó trước, trong và sau thiên tai

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, năm qua, công tác phòng ngừa đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Ở cấp trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT&TKCN năm 2023, Hội nghị nâng cao năng lực cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố; hoàn thành và triển khai các Quy hoạch, Chiến lược, Kế hoạch, Đề án liên quan đến công tác PCTT&TKCN đến năm 2030 và định hướng xa hơn.

Các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đã được cung cấp kịp thời nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các địa phương tổ chức lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai (tổng số trạm chuyên dùng đến tháng 3/2024 là 2.552 trạm).

10-5-22-.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm” tại tỉnh Quảng Nam và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; đồng thời, phê duyệt nội dung Sách trắng về phòng, chống thiên tai Việt Nam và công bố rộng rãi trên website của Ban Chỉ đạo. Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) cũng đã phát huy hiệu quả cho công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành trong các tình huống thiên tai.

Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường với sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là Câu lạc bộ Phóng viên Phòng, chống thiên tai thường xuyên cung cấp thông tin liên quan đến tình hình thiên tai, thông qua các hình thức: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ấn phẩm đa phương tiện, mạng xã hội… Nhiêu hội nghị, tập huấn, hội thảo về nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai cũng được tổ chức thường xuyên.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hàng trăm lớp huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn; các cuộc diễn tập diễn ra với nhiều quy mô từ quốc tế đến cấp phường, xã với đầy đủ các lực lượng tham gia, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

10-5-14-.jpg
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Về công tác ứng phó thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, riêng trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã xử lý hiệu quả 4.336 vụ, cứu được 3.968 người, 207 phương tiện; hướng dẫn, hỗ trợ di dời gần 963 nghìn người từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn...

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở; Bộ NN&PTNT xuất cấp hạt giống, hoá chất sát trùng giúp kịp thời ổn định sản xuất sau thiên tai. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, đồng thời, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Năm 2023, đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), Việt Nam đã tổ chức Hội nghị AMMDM và các sự kiện liên quan. Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác diễn đàn quốc tế, khu vực trong lĩnh vực ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, với việc đưa lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến cảm ơn và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam.

Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế

Tại Hội nghị, đại diện Ban chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành, địa phương đã phát biểu, tham luận nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội nghị đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm.

10-5-35-.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận Hội nghị

Ghi nhận kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua. Theo đó, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ còn chưa đầy đủ; công tác kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng đã thực hiện tốt. Công tác dự báo, cảnh báo sớm vẫn còn những vấn đề cần phải làm tốt hơn nữa. Một số quy định pháp luật hiện nay chưa thông suốt hoặc quá cũ, không còn phù hợp thực tiễn. Mặt khác, trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu với thiên tai của cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cấp Bộ ngành, UBND các địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp theo Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Lực lượng vũ trang được đưa lên hàng đầu để chứng minh đây là lực lượng nhanh nhất, mạnh nhất, kịp thời nhất để ứng phó thiên tai và các tình huống xấu.

Công tác hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai cần được tiếp tục thực hiện, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động trong thực tiễn. "Một số cơ chế chính sách cần được xây dựng mới phải làm mới chứ không chỉ sửa cái cũ" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

10-5-20-.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Công tác truyền thông, thông tin cần tiếp tục tăng cường để nâng cao nhận thức của các cấp Bộ ngành và đến cộng đồng, chú trọng các hình thức thông tin mới qua tin nhắn, mạng xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát kỹ kịch bản phòng chống thiên tai để có phương án ứng phó hợp lý nhất đáp ứng thực tiễn.

Cùng với tăng cường chất lượng công tác dự báo bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể, Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương, bộ ngành cần nâng cao năng lực điều hành hơn nữa. Khi có thiên tai xảy ra, người đứng đầu địa phương là người chỉ huy trực tiếp tại chỗ thì mới có quyết định sáng suốt nhất, hợp lý nhất vào thời điểm đó trên cơ sở nguyên tắc chung mà tổ chức đưa ra – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc huy động nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả cũng cần được tăng cường trong thời gian tới. Phó Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam cũng mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành trong chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ, phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai; đồng thời xem xét tài trợ về công tác dự báo để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó giúp nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO