Biến đổi khí hậu

Tây Nguyên trong cao điểm mùa khô

Khánh Ly 09/05/2024 - 09:47

(TN&MT) - Khu vực Tây Nguyên hiện đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô 2024. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán, thiếu nước đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở các địa phương trong khu vực.

Nắng nóng lịch sử

Tại tỉnh Kon Tum, nắng nóng xuất hiện từ cuối tháng 3 và đặc biệt, tháng 4 xảy ra đợt nắng nóng kéo dài lịch sử. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh ghi nhận, so với cùng kỳ nhiều năm, đây là đợt nắng nóng kéo dài lịch sử với nhiệt độ cao nhất đạt 35 - 38oC. Tình trạng khô hạn thiếu nước có xu hướng gia tăng. Nhiều sông suối đã cạn kiệt nguồn nước nên một số diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp lâu năm không có nguồn nước tưới bổ sung đã có hiện tượng khô héo. Trong 10 ngày đầu tháng 5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã phải đưa ra mức cảnh báo cháy rừng cho nhiều diện tích rừng trên địa bàn ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, rừng có khả năng cháy lớn và lan nhanh.

Khoảng 700 hộ gia đình tại Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông thiếu nước sinh hoạt; nhiều diện tích chịu tác động từ hạn hán, thiếu nước: Đắk Nông lên tới hơn 10 nghìn ha; Đắk Lắk hơn 2 nghìn ha. Riêng tỉnh Gia Lai bị mất trắng hơn 89ha lúa và hoa màu.

Nhìn chung trên toàn khu vực, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 4, Tây Nguyên đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 3 - 8/4, 13 - 17/4 và 21 - 22/4. Tổng cộng có 11 ngày nắng nóng (với nhiệt độ trong khoảng 35 - 38oC), cao hơn 7 ngày so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa khu vực chỉ vỏn vẹn từ 25 - 40mm, thiếu hụt từ 45 - 70% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN).

Trong những ngày cuối tháng 4 năm nay, các điểm quan trắc tại Buôn Ma Thuột, EaHleo (Đắk Lắk), Cát Tiên (Lâm Đồng) đã ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử trong tháng 4 được thiết lập từ năm 2016.

Số liệu từ Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, lượng nước tích trữ hiện tại trong các hồ chứa thủy lợi chỉ đạt khoảng 1/3 đến một nửa dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ TBNN. Toàn vùng có 621 hồ chứa trữ dưới 50%, trong đó 110 hồ nhỏ dưới mực nước chết, tập trung ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Nắng nóng dự kiến kết thúc từ khoảng giữa tháng 5

Về thời gian kết thúc nắng nóng, hạn hán, ông Mai Văn Khiêm nhận định, mùa mưa ở Tây Nguyên nhiều khả năng xuất hiện trong nửa đầu tháng 5. Từ giữa tháng 5, hạn hán tại khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng giảm dần, riêng phía Nam Tây Nguyên có thể chấm dứt hạn.

bac-trung-bo-4-.png
Dự kiến diện tích cây trồng chịu tác động của hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên

Dự báo, từ nay đến 16/5 khu vực Tây Nguyên có thể xuất hiện thêm 1 đợt nắng nóng 35 - 38oC. Sau ngày 20/5 khu vực Tây Nguyên ít khả năng xảy ra nắng nóng.

Dự kiến tổng diện tích cây trồng tại các tỉnh Tây Nguyên chịu tác động của hạn hán, thiếu nước khoảng 16.000 - 27.000ha (trong đó 3.600 - 6.400ha vùng trong công trình thủy lợi). Cụ thể, tỉnh Kon Tum khoảng 1.000 - 2.000ha, tỉnh Gia Lai khoảng 1.000 - 3.000ha, tỉnh Đắk Lắk khoảng 5.000 - 8.000ha, tỉnh Đắk Nông 7.000 - 10.000ha và tỉnh Lâm Đồng khoảng 2.000 - 4.000ha.

Từ tháng nửa cuối tháng 5 khu vực Tây Nguyên cũng như nhiều khu vực khác trên cả nước sẽ bước sang mùa mưa, tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ suy giảm. Tuy nhiên, trong điều kiện đã trải qua nắng nóng kéo dài, khi có mưa lớn sẽ gây nguy cơ cao trượt lở, lũ quét, sạt lở đất nên các địa phương cần hết sức đề phòng.

Để chủ động lên các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, thời gian qua, các địa phương đều tăng cường theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn, thông tin dự báo nguồn nước để làm cơ sở tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục triển khai giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT; chủ động xây dựng các kịch bản nguồn nước, phương án ứng phó, cấp nước cho người dân và sản xuất.

Trước mắt, một số địa phương đã đặt trạm bơm dã chiến tại các sông, suối phục vụ chống hạn cho nhiều diện tích canh tác xung quanh, hỗ trợ người dân đào các giếng nhỏ trong lòng hồ để tận dụng nguồn nước phục vụ công tác chống hạn. Một số giải pháp có tính dài hơi trong phòng chống hạn đã được đưa ra như nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình, sử dụng ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân nạo vét, xây dựng các ao hồ nhỏ trữ nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên trong cao điểm mùa khô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO