Biến đổi khí hậu

Bình Định chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “bốn tại chỗ”

Đông Duy 09/05/2024 - 16:26

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

UBND tỉnh nhận định, hiện nay trên địa bàn nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong thời gian tới, thời thiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệt độ thường xuyên ở mức cao, nắng nóng và hạn hán có xu hướng kéo dài, cấp dự báo cháy rừng luôn ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao.

dji_20240503092254_0758_d.jpg
Bình Định yêu cầu ứng trực PCCCR 24/24 vào thời gian cao điểm

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR, nhất là người dân sống gần rừng, ven rừng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về PCCCR, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng trên lâm phần quản lý.

Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã có rừng, các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR giai đoạn 2024 – 2030 theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ hủy tại chỗ”. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các chủ rừng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCCR, không xử lý thực bì bằng phương pháp dùng lừa trong thời kỳ cao điểm dễ cháy rừng. Trong thời gian nắng nóg, nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên, chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn/ Ban Chỉ huy bảo vệ rừung và PCCCR cấp xã phân công thành viên, cán bộ thường trực 24/24 giờ tại trụ sở cơ quan kể cả các ngày nghỉ, ngày lễ, tết để tiếp nhận thông tin báo cháy. Tăng cường lực lượng tuần tra tại các vùng trọng điểm về cháy rừng để phát hiện sớm đám cháy, triển khai kịp thời các biện pháp chữa cháy hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực có nguy cơ cháy cao, nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng,…

Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, có phương án đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị, hậu cần, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Thường trực, sẵn sàng phối hợp khi xảy ra cháy rừng, phối hiệp điều tra rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có phương án và sẵn sàng sơ tán nhân dân khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước,…

dji_20240503092052_0756_d.jpg
Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về PCCCR là một trong những giải pháp hữu hiệu

Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát công tác PCCCR tại các địa phương, nhất là tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng. Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng để có phương án ứng phó kịp thời; duy trì chế độ thường trực công tác PCCCR theo quy định; đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định PCCCR, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa gần rừng, ven rừng của người dân không để xảy ra cháy rừng; nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong rừng, ven rừng khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV đến cấp V....

Tỉnh Bình Định hiện có hơn 348.035ha tổng diện tích đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 214.084ha, hơn 133.951ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 57,32%. Trong năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR đạt được những kết quả tích cực. Nhiều diện tích rừng có chất lượng cao được hình thành, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp. Công tác khoán bảo vệ rừng được thực hiện tốt, đời sống kinh tế của các hộ nhận khoán đã được cải thiện. Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện đã được UBND tỉnh cho hợp đồng lao động bổ sung lực lượng bảo vệ rừng nên công tác bảo vệ rừng và PCCCR được triển khai hiệu quả hơn. Tình hình khai thác rừng trái pháp luật trong năm 2023 giảm đáng kể so với năm 2022 (giảm 3 vụ, giảm 33,3%), góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “bốn tại chỗ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO