Xã hội

Đồng Tháp: Hiệu quả từ mô hình tích tụ ruộng đất

Mỹ Nhân 12/06/2015 12:25

(TN&MT) - Tích tụ, thu gom diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang để đầu tư làm ăn lớn đang được xem là hướng đi mới ở Đồng Tháp để chuyển từ làm ăn nhỏ, manh mún sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, đồng
ruộng manh mún đang là bài toán khó để triển khai sản xuất quy mô lớn, giảm giá thành sản xuất. UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân thuê đất mở rộng diện tích lên ít nhất 3ha. Bước đầu chỉ thực hiện thí điểm ở các Hợp tác xã (HTX) Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến huyện Tam Nông.

083503_ruong-dat.jpg
Tích tụ ruộng đất để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn

Ông Nguyễn Văn Trãi Giám đốc HTX Tân Cường cho biết, số hộ đã cho thuê đất ngay tại HTX này cũng rất nhiều vì diện tích nhỏ, hiệu quả kém. Sau vài vụ, tất cả hộ cho thuê đất đều có cuộc sống
khá hơn vì họ đi làm công nhân hoặc buôn bán có thêm thu nhập.

Chẳng hạn, hộ ông Nguyễn Văn Phướng có 0,5ha đất cho ông Trần Văn Hướng ở bên cạnh thuê để mở rộng diện tích lên 10ha. Ông Phướng và hai người con đi làm công nhân cách nhà vài cây số. Ông vừa có thu nhập 12 triệu đồng/năm từ việc cho thuê đất vừa có tiền lương đi làm nên cuộc sống khá hơn trước. Các hộ thuê đất trồng lúa cũng khẳng định có hiệu quả. Theo tính toán của các hộ này, nếu trừ tiền thuê đất mỗi năm 25- 27 triệu đồng/ha thì tính riêng vụ đông xuân sản xuất khoảng 7-8 tấn/ha, trừ các khoản chi phí người thuê đất có thể thu được lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/ha...

Ngoài mô hình tích tụ ruộng đất của từng hộ nông dân, đã có những mô hình tích tụ ruộng đất theo kiểu làm ăn tập thể cũng cho hiệu quả rất tốt. Cụ thể, mô hình tích tụ ruộng đất tại HTX Đức Huệ (xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) đem lại lợi nhuận đáng kể cho HTX từ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đồng loạt trên diện tích 100ha, giúp giảm được giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

12-58-23_nh-1-mo-rong-dien-tich-sx-nong-nghiep.jpg
Tích tụ ruộng đất giúp giảm được giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Đồng thời tạo sự phấn khởi trong dân từ việc HTX giao khoán sản lượng 7 tấn/ha/vụ cho nông dân. Theo đó, nông dân chỉ cần giao cho HTX tha đất/năm là nhận về 21 tấn lúa. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân chỉ hoàn lại cho HTX 22 triệu đồng/vụ tiền chi phí đầu
tư...

Cũng với những cách làm này, hiện nay các vùng chuyên canh trồng lúa trên địa bàn tỉnh dần được hình thành và đang có xu hướng mở rộng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, thông qua các mô hình tích tụ ruộng đất, nông dân có mối liên kết tốt hơn trong cộng đồng, từng bước hình thành những người nông dân mới biết gắn sản xuất với thị trường.

Các HTX phát huy được hiệu quả, vật tư đầu vào được quản lý đảm bảo chất lượng, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn, tạo điều kiện để trở thành hàng hóa. Quan trọng nhất là hình thành được mối liên kết giữa “4 nhà”, trong đó có sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà quản lý các doanh nghiệp, vật tư đầu vào, giúp bà con nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Hiệu quả từ mô hình tích tụ ruộng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO