Sức khỏe

Cây Sâm Ngọc Linh giúp người dân Nam Trà My thoát nghèo

Anh Dũng 14/08/2023 - 14:13

Trong những năm qua, huyện Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Qua đó, đã có hàng nghìn hộ dân ở Nam Trà My thoát nghèo từ cây Sâm Ngọc Linh.

h1.jpg
Người dân địa phương bên loại Sâm quý hàng đầu thế giới, giúp giảm nghèo bền vững

Đổi đời từ nguồn gen quý

Vùng Sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15 nghìn héc ta tại 7/10 xã của huyện; có trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng Sâm trên diện tích hơn 2 nghìn héc ta, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm. Với ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng của Sâm Ngọc Linh, vào ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT), số lượng cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi sản xuất năm 2023 tại tỉnh được khoảng 109.000 cây giống.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam về việc cung ứng cây sâm Ngọc Linh cho nhân dân và doanh nghiệp với mục đích giảm nghèo bền vững, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu tỉnh đã cung ứng cho huyện Nam Trà My để hỗ trợ cho nhân dân với số lượng 73.000 cây giống; tổ chức bán đấu giá cho doanh nghiệp 14.000 cây đúng quy định. Đồng thời, Trung tâm cũng thực hiện việc lưu vườn để trồng phát triển mở rộng diện tích vườn bảo tồn sâm Ngọc Linh giống gốc tại Trạm Dược liệu Trà Linh với số lượng 22.000 cây.

h2.jpg
Chị Nguyễn Thị Huỳnh (Chủ DNTN Huỳnh Sâm) bên vườn Sâm Ngọc Linh ra hoa của mình. Theo chị Huỳnh, Sâm Ngọc Linh bây giờ là sinh kế của mỗi người dân, giúp dân thoát nghèo

Bên cạnh đó, người dân thì đã ý thức hơn về việc nhân giống, mở rộng diện tích trồng sâm, kinh doanh và chế biến Sâm vì đây là cây làm giàu nhanh chóng. Theo chân cô gái Ca Dong Hồ Thị Mười (SN 1983) đến vườn Sâm ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My thì được biết cô thuê đất 10 ha để trồng Sâm, nhưng mới trồng một phần vì vốn còn hạn chế. Hiện tại, Cơ sở sản xuất Mười Cường và Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Ngọc Linh có 13 công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS) làm việc thường xuyên; 19 hộ liên kết chuỗi, 8 hộ tổ hợp tác. Mức thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hằng năm đạt từ trên dưới 1 tỷ đồng/năm.

“Hiện tại, tôi đang xây dựng một số dự án cùng cộng đồng phát triển; HTX Cộng đồng Ngọc Linh hoạt động trên tinh thần tất cả thành viên tự bỏ công sức vào làm thay vì góp vốn. Trong đó chủ lực nhất vẫn là cây sâm Ngọc Linh. Hy vọng phương án này sẽ giúp các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững”- chị Mười cho biết.

h3.jpg
Chị Hồ Thị Mười (Chủ Cơ sở sản xuất Mười Cường và Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh) bên vườn Sâm của mình ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My

Giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh quy mô lớn

Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đang là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại khu vực trung du và miền núi của tỉnh, nhất là miền núi cao, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình Miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; cũng như Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến 2023 và định hướng đến năm 2045….

Theo đó, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nâng cấp hệ thống vườn ươm cây giống hiện có cũng như đầu tư cơ sở 2 để sản xuất giống dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh là chủ lực để đảm bảo phục vụ sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các hạng mục liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc giúp vườn Sâm giống gốc sinh trưởng phát triển tốt cả 2 vườn bảo tồn sâm Ngọc Linh (Trạm Dược liệu Trà Linh và Trại Sâm Tắc Ngo).

Quảng Nam và huyện Nam Trà My tiếp tục chọn những vườn giống hiện có trong dân và doanh nghiệp để hỗ trợ cùng tham gia chọn tạo cây đầu dòng để hình thành những vườn giống có chất lượng để sản xuất và cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh phục vụ sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh có quy mô lớn gắn với chế biến sâu các loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để nâng gia tăng giá trị, nhằm giải quyết nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

h4.jpg
Trồng Sâm dưới tán rừng không chỉ là hướng đi giúp bà con đồng bào ở Nam Trà My xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mà còn góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai và bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh

Cùng với đó, cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đủ mạnh đầu tư phát triển bền vững sâm Ngọc Linh về quy mô diện tích và định hướng vùng trồng; với phương châm hiệu quả về KT-XH, môi trường và nhu cầu thị trường; phát triển theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa không những thị trường trong nước mà hướng đến thị trường nước ngoài.

Địa phương ưu tiên hình thành các Tổ hợp tác, HTX trồng Sâm Ngọc Linh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cầu nối giữa liên kết với các doanh nghiệp trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có chất lượng. Hộ/nhóm hộ liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, Tổ hợp tác cần hướng đến truy xuất nguồn gốc, vùng trồng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, nhằm bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Quảng Nam.

Ông Phan Việt Cường- Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh quy mô lớn sẽ là một hướng đi đúng đắn cho việc giảm nghèo bền vững cho người dân. Để làm được điều này, cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có, kết hợp lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; phát triển các HTX, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các các sản phẩm Sâm Ngọc Linh; tuyên truyền, hướng dẫn, thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào DTTS tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây Sâm Ngọc Linh gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác hiệu quả việc trồng Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng; quyết tâm xây dựng huyện Nam Trà My thật sự trở thành “Thủ phủ Sâm Ngọc Linh”, trung tâm giống dược liệu quý hiếm của Quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây Sâm Ngọc Linh giúp người dân Nam Trà My thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO