Quảng Nam: Người dân bàn giao đất 8 năm nhưng chưa được tái định cư
(TN&MT) - Vướng mắc về mặt bằng, lỗi của Nhà nước trong bồi thường, tái định cư nên người dân thuộc vùng Dự án Khu phố mới Phước An (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa có nơi ở mới dù đã nhận tiền, bàn giao đất 8 năm.
Khổ sở trong vùng dự án
Dự án Khu phố mới Phước An (thường gọi là Khu dân cư Phước An; thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam làm chủ đầu tư vào tháng 5/2015. Nhiều người dân nằm trong vùng dự án đã bàn giao đất từ năm 2016-2021 nhưng đến nay vẫn chưa được di dời, bố trí tái định cư, nhà cửa xuống cấp khiến cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả.
Ông Phạm Đài, ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước bức xúc: Lúc đầu triển khai dự án này gia đình rất hoan nghênh bởi vì đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ làm thay đổi bộ mặt khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do vậy, gia đình ông chấp thuận bàn giao khoảng 2.800 m2 đất vườn, nhà ở để thực hiện dự án. Nhưng đã gần 8 năm qua, gia đình ông vẫn chưa có đất, chưa có giấy quyền sử dụng đất.
“Cuộc sống rất cực nhưng không biết dời đi đâu nên cả gia đình chấp nhận sinh sống trong căn nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi trời mưa lớn hoặc gió bão là cả nhà lại thấp thỏm lo nhà sập”- ông Đài chia sẻ.
Ông Nguyễn Dõng, ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước cũng cho biết, gia đình ông thuộc diện di dời, bố trí tại định cư tại chỗ ở Dự án khu phố mới Phước An. Thế nhưng từ lúc họ triển khai dự án đến này gần 8 năm nhưng gia đình vẫn chưa được bố trí tái định cư. Dự án thì thi công xung quanh, nên mỗi khi vào mùa mưa bão nước từ xung quanh dự án chảy vào, nhà ông chẳng khác hồ chứa.
“Họ đổ đất xung quanh, nhà tôi thành chỗ thấp nhất nên mưa xuống là ngập. Hiện tại ngôi nhà của tôi cũng đã xuống cấp nghiêm trọng nên trời mưa lớn nước thấm hết vào tường nhà” – ông Dõng chia sẻ.
Công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư chưa hoàn thành khiến dự án rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Dự án đến nay cũng chưa hoàn thiện dù đã gia hạn tiến độ 6 lần. Mới đây, Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam cũng đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, đến nay đã gần 8 năm kể từ thời điểm thu hồi đất, tuy nhiên còn nhiều hộ dân chưa được bố trí TĐC gây bức xúc về nhà ở, trong khi các hộ dân đã chấp hành nhận tiền, bàn giao mặt bằng từ năm 2016 - 2021.
Công ty đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án, thực hiện bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo ổn định cuộc sống trong dịp Tết cổ truyền năm 2025 là rất cấp bách. Đồng thời để các hộ dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng thực hiện hoàn thành theo tiến độ được UBND tỉnh cho phép.
Lỗi thuộc về cơ quan Nhà nước
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thừa nhận, dự án kéo dài trong nhiều năm gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ dân. Việc chậm trễ trong quá trình thực hiện Dự án do nhiều nguyên nhân phần lớn là do lỗi của các cơ quan Nhà nước. Việc chậm giao đất tái định cư gần 8 năm so với thời điểm thu hồi đất gây bức xúc về nhà ở, vì các hộ dân đã chấp hành nhận tiền, bàn giao mặt bằng từ năm 2016-2021 và UBND huyện Tiên Phước đã thống nhất về số lô, diện tích, giá tái định cư nhưng đến nay chưa có đất tái định cư để làm nhà.
Theo ông Nguyễn Hùng Anh, huyện Tiên Phước không có quỹ đất sạch để bố trí tái định cư cho người dân kịp thời tại thời điểm thu hồi đất. Do đó, quỹ đất dùng để bố trí tái định cư cho các hộ dân được lấy từ quỹ đất của Dự án (tái định cư tại chỗ). Đây là vấn đề mấu chốt, cốt lõi dẫn đến việc không thể lập phương án tái định cư, giao đất tái định cư cho người dân có đất thu hồi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần . Những thay đổi lớn nhất trong các văn bản nói trên là chính sách tái định cư, tập trung chủ yếu vào số lô đất được bố trí tái định cư và đối tượng được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất tái định cư. Những thay đổi này gây khó khăn trong việc thực thi chính sách bồi thường, GPMB nhất là khi UBND huyện, Ban bồi thường, GPMB, hỗ trợ, TĐC huyện Tiên Phước đã làm việc, thống nhất với người dân về chế độ tái định cư theo các chính sách đã ban hành trước đó…
Nếu trước đây lập thủ tục bố trí tái định cư cùng thời điểm với thủ tục thu hồi đất thì người dân chỉ nộp khoảng 100 triệu đồng/1 lô tái định cư. Còn đến thời điểm này, người dân phải nộp tiền sử dụng đất khoảng 400-500 triệu/lô tái định cư, thậm chí cả tỉ đồng.
Để gỡ vướng cho dự án, UBND huyện đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chủ trương áp dụng giá đất tính tiền sử dụng đất tái định cư tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (năm 2016) để tính tiền sử dụng đất tái định cư cho các hộ gia đình đã nhận tiền bàn giao mặt bằng theo phương án bồi thường đã được phê duyệt.
Đồng thời, thống nhất việc giao đất tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng, giao đất để thực hiện dự án mà UBND huyện Tiên Phước đã thống nhất với hộ dân về vị trí, số lô, diện tích và giá tái định cư nơi đến, đảm bảo theo quy định hiện hành và phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của hộ dân…