Biến đổi khí hậu

Cà Mau: nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Minh Vũ 30/01/2015 16:26

(TN&MT) - Thời gian qua, để thích úng với biến đổi khí hậu, Cà Mau chú trọng xây dựng và nâng cấp hệ thống đê biển, trồng thêm rừng phòng hộ ven biển, quy hoạch hệ thống thuỷ lợi...

Tuy nhiên, khi nước biển dâng, nhà ở của người dân xây dựng theo kiểu truyền thống sẽ khó thích ứng. Bờ biển Cà Mau dài 254 km từ biển sang biển Đông (Vịnh Thái Lan), trong đó có nhiều đoạn
bị xói lở, ăn sâu vào đất liền. Với địa hình có 3 mặt giáp biển, chịu sự tác động của 2 chế độ nhật triều và bán nhật triều nên các vùng ven biển sẽ là nơi dễ bị tổn thương nghiêm trọng khi nước biển dâng.

Theo nghiên cứu mới đây của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wife Fund for Nature - WWF) nằm trong chương trình Greater Mekong, ngập lụt sẽ xảy ra trên diện rộng ở Cà Mau trong vòng 25 năm tới do ảnh hưởng của BĐKH.

22222222222222222228.jpg
Cà Mau đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gay gắt nhất.

Theo khảo sát của Phân viện Kiến trúc miền Nam, hình thức kiến trúc nhà ở khu vực ven biển ở Cà Mau rất đơn giản nên chịu ảnh hưởng lớn khi thuỷ triều dâng. Chỉ những nhà mới xây hoặc sửa lại gần đây có độ cao của sàn từ 50 - 80 cm so với mặt đường thì không bị nước ngập. Tình trạng ngập nước làm hư hại đồ đạc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Điển hình như nhà ông Nguyễn Khánh Phong, khóm 7, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời nằm ngay mép sông, làm nghề buôn bán thức ăn nuôi tôm. Năm ngoái ông đã bị thiệt hại vài chục triệu đồng vì nước dâng cao bất ngờ không kịp kê hàng hoá lên cao. Ông Phong cho biết, mực nước năm sau luôn cao hơn năm trước, phải thường xuyên nâng nền và mái nhà nên rất tốn kém.

Kiến trúc sư Vũ Quốc Bảo, Phân viện Kiến trúc miền Nam cho biết, vùng ven biển Cà Mau có nền đất yếu, vận chuyển vật liệu khó khăn, vì vậy nên hạn chế sử dụng bê- tông cốt thép trong bộ phận chịu lực đối với nhà ở. Việc gia cố nền móng bê-tông cốt thép cũng rất tốn kém đối với đa số người dân ven biển. Người dân nên sử dụng kết cấu thép thành mỏng, đó là giải pháp kỹ thuật mới trong lĩnh vực vật liệu và công nghệ ban đầu được sử dụng trong các lĩnh vực cơ khí, hàng không, ô-tô, nay áp dụng vào kết cấu xây dựng, từ đó tạo nên loại kết cấu mới có trọng lượng giảm nhẹ.

chan-song-1-.jpg
Trồng rừng ngập mặn để phòng, tránh lụt bão.

So với kết cấu thép thông thường, kết cấu thép thành mỏng sẽ giảm trọng lượng theo từ 25-50%. Thời gian chế tạo và dựng lắp nhanh, hình dạng tiết diện được chọn tự do, đa dạng theo yêu cầu. Vì vậy, trong thời gian tới, Cà Mau cần có kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, trong đó tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Sử dụng vật liệu phù hợp để xây dựng và gia cố nhà cửa, cơ sở vật chất.

Xây dựng hệ thống thoát nước, mở rộng, nạo vét kinh rạch song song với việc nâng nền cho khu vực dân cư. Xây dựng hệ thống cảnh báo ngập lụt, bão, lốc xoáy. Bên cạnh đó, cần bảo vệ và phát triển rừng nhằm tạo ra “vùng đệm xanh” ngăn nước biển dâng và giữ đất, chống sạt lở. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO