Bộ TN&MT tổ chức hội thảo chính sách pháp luật địa chất, khoáng sản
(TN&MT) - Sáng 18/2, tại TP Hải Phòng, Bộ TN&MT tổ chức hội thảo chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản. Đây là hội thảo nhằm trao đổi, triển khai thực hiện các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên; đại diện các Bộ, ban, ngành; ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hải Phòng; đại diện Sở TN&MT các tỉnh khu vực phía Bắc cùng các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, ngày 29/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15, thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Luật Địa chất và khoáng sản có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025, riêng các chính sách đối với khai thác khoáng sản nhóm IV đã có hiệu lực ngay từ ngày 15/1/2025.

Luật Địa chất và Khoáng sản với những thay đổi lớn về chính sách đã tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành cũng như góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hội thảo chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa lớn trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu rộng về các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản. Thông qua việc phổ biến, tuyên truyền, trao đổi tại hội thảo, các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đối tượng có liên quan đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể nắm bắt kịp thời và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản vừa được ban hành. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là dịp để trao đổi, thảo luận, góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản đang được đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi.

Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, sau hơn 13 năm tổ chức thực hiện Luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của thành phố Hải Phòng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các quy định của Luật và Nghị định của Chính phủ cũng có những vướng mắc nhất định cần phải được rà soát hoặc bổ sung các quy định mới cho phù hợp với thực tế phát sinh tại địa phương. Do đó, việc ra đời của Luật Địa chất và Khoáng sản được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại, bảo đảm tổng thể, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Hội thảo đã được nghe ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam đã giới thiệu, phổ biến các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản, Nghị định số 11/2025/NĐ-CP ngày 15/1/2025 của Chính phủ, Thông tư số 01/2025/TT-BTNMT ngày 15/1/2025 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về khai thác khoáng sản nhóm IV; ông Nguyễn Đức Thu – Trưởng phòng Thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản (Cục Khoáng sản Việt Nam) giới thiệu dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Địa chất và Khoáng sản. Trong đó, ông Phạm Nguyên Hải - Trưởng phòng Pháp chế (Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo) đề xuất, dự thảo cần bổ sung thêm nội dung xác định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong trường hợp không ban hành hoặc chậm ban hành giá tính thuế tài nguyên khiến Bộ TN&MT không có cơ sở ban hành quyết định tính quyền cấp quyền khai thác khoáng sản. Công ty đề xuất nhóm dự thảo nghiên cứu bổ sung các nội dung cụ thể, chi tiết về hoạt động chế biến khoáng sản (gồm các khâu nào), phân biệt giữa hoạt động sơ chế (chủ yếu là sử dụng công nghệ truyền thống, chưa đem lại giá trị cao cho khoáng sản sau chế biến) và hoạt động chế biến sâu (tỷ suất đầu tư lớn, áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tạo giá trị cho khoáng sản sau chế biến).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm 4 Điều 109, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động chế biến đang được giao cho rất nhiều cơ quan khác ngoài Bộ TN&MT, đề nghị phải có cơ chế để liên thông giữa các cơ quan quản lý, tránh việc mỗi cơ quan đưa ra một phương thức quản lý riêng dẫn đến chồng chéo, không hiệu quả với chủ trương chung của chính sách…
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng cho biết thêm, tới đây, sẽ có những văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể để tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.