Mường Chà (Điện Biên): Giải pháp giảm nghèo trên đất dốc
(TN&MT) - Mường Chà là một huyện vùng núi của tỉnh Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm khoảng trên 40%). Trước thực trạng đó, huyện Mường Chà đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp trên diện tích đất dốc, đất nương thoải và có nguy cơ hoang hóa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, (tỉnh Điện Biên), cho biết: Đảng bộ huyện và chính quyền các cấp luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống người dân. Đặc biệt trong việc giúp đỡ các hộ nghèo người dân tộc thiểu số (DTTS); được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng 1.067 ngôi nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện đã đề ra rất nhiều giải pháp liên quan đến chính sách an sinh, trong đó có việc hướng dẫn người dân phát huy giá trị, hiệu quả trên đất, cải tạo đất, chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở các xã như: Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Huổi Lèng, Pa Ham, Nậm Nèn… đối với diện tích đất bờ sông, bờ suối có độ dốc cao, triền núi, chúng tôi vận động nhân dân cải tạo đất. Nguồn được lấy từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đưa khoa học, kỹ thuật vào canh tác trồng sắn. Đến nay, diện tích sắn trồng tại những vị trí đất dốc trồng cây khác không hiệu quả khoảng 1.200ha.
![2023.11.13-xoa-ngheo-tu-mo-hinh-trong-dua-tren-dat-doc-1.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/11/2023.11.13-xoa-ngheo-tu-mo-hinh-trong-dua-tren-dat-doc-1.jpg)
Cây sắn mặc dù không phải là cây được huyện lựa chọn, khuyến khích trồng. Song với những diện tích đất dốc thì đây lại là giải pháp cho người dân tăng thêm thu nhập và mục tiêu không để lãng phí tài nguyên đất.
Ông Lò Văn Ơn, bản Púng Giắt 2, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, cho biết: Nhờ tận dụng những diện tích đất bờ sông, bờ suối, gia đinh ông trồng được gần 1ha sắn. Trong năm qua, giá sắn bán dao động từ 2.500đ – 3.000đ/kg, tiền bán sắn ông lại quay vòng mua giống gà, vịt về nuôi bán trong dịp Tết nguyên Đán. Cũng nhờ cách làm tận dụng triệt để diện tích đất gia đình có và những vị trí đất không ai canh tác, lấy công làm lãi, nên gia đình ông đã sớm thoát nghèo từ năm 2021.
Nhìn vào mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Mường Chà trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND huyện Tráng A Lử, cho biết thêm: Huyện đã xây dựng lộ trình phát triển kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp theo cụm các xã. Đối với các xã có diện tích đất nương thoải như Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Huổi Lèng… Ma Thì Hồ, huyện sẽ định hướng, hướng dẫn người dân phát triển cây dứa từ nay đến hết năm 2025 tăng lên khoảng 500ha. Hiện nay, diện tích dứa của các xã kể trên có khoảng 350ha. Đặc biệt, dứa thu hoạch đến đâu bà con tiêu thụ hết đến đó, giá bán dao động từ 10.000đ – 12.000đ/quả.
![a1.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/11/a1.jpg)
Và cũng tại các xã Mường Mươn, Na Sang nhiều hộ trở nên giàu có nhờ trồng dứa. Và mô hình HTX dứa công nghệ, dứa sạch ở 2 xã trên cũng đã ra đời. Mỗi năm bà con cho thu hoạch 1ha được 20 tấn dứa thương phẩm. Tới đây, huyện sẽ giúp các hộ dân lựa chọn đưa giống dứa F1 vào trồng và công nghệ chăm sóc đẩy sản lượng lên từ 20 tấn/ha thành 50 đến 70 tấn dứa/ha.
Theo tiêu chí mới, hiện nay huyện Mường Chà có 2 xã Na Sang và Mườn Mươn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện (Na Sang còn 36%; Mường Mươn còn 33,19%) và đây cũng là 2 xã người dân thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đất nương thoải tốt nhất nhất huyện. Điều này đã làm thay tỷ lệ hộ thoát nghèo, giảm nghèo và trở nên giàu có nhờ trồng dứa trên đất nương lúa kém hiệu quả.
Còn đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng của huyện Mường Chà khoảng 30.000ha, được biết huyện đang có chủ trương phát triển trồng quế, trồng rừng sản xuất và điện sinh khối, dự kiến triển khai năm 2025 là 16000ha. Và chuối cũng là một giống cây huyện đang cho các đơn vị Công ty Sợi chuối nghiên cứu, lập đề án triển khai khoảng hơn 20.000ha, tại các xã Na Sang, Mườn Mươn, Huổi Mí, Pá Ham, Nậm Nèn…đơn vị cam kết thu mua lá, quả, thân. Năm 2025, huyện triển khai thí điểm khoảng trên 500ha theo phương thức liên kết sản xuất; doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với dân.
![mcha.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/11/mcha.jpg)
Ngoài lộ trình phát triển kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp của huyện, hướng đến khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên đất, nhằm giúp đồng bào các DTTS vươn lên thoát nghèo từ tài nguyên đất, tư liệu sản xuất sẵn có. Huyện Mường Chà còn hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn tín dụng chính sách và được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp; giống cây, giống con, các loại máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những giải pháp của huyện rất quan trọng nhằm giúp các hộ nghèo nâng cao nhận thức canh tác, thay đổi phương thức sản xuất có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong năm 2024, doanh số cho vay của các ngân hàng 960 tỷ đồng, cho vay trong 10 năm qua đã có 65% nguồn vốn tập trung vào đối tượng là hộ nghèo, hộ mới thoét nghèo; từ nguồn vốn tín dụng của ngân hành chính sách xã hội (NHCSXH). Đến nay dư nợ còn khoảng trên 400 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giúp cho 16.000 lượt hộ nghèo và các đội tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo huyện Mường Chà hết năm 2024 giảm xuống còn 41,2%, bình quân giai đoạn 2020 - 2024 giảm 5,84%/năm; tỷ lệ hộ cần nghèo là 15,68%. Chia theo khu vực, tỷ lệ hộ nghèo khu vực vùng thấp là 4,28%; tỷ lệ hộ nghèo vùng cao 46,11%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc
thiểu số còn 42,01%.