Biến đổi khí hậu

Bình Thuận phòng, chống thiên tai: Hướng đến giảm nghèo bền vững

Linh Nga 18/08/2023 - 15:50

(TN&MT) - Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình thiên tai ở Bình Thuận ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Để giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống dân sinh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

a1.-sat-lo-dat.jpg
Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, phương tiện đi lại gặp khó khăn

Đối mặt với nhiều hiểm họa thiên tai

Là một tỉnh cực Nam của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Cụ thể, BĐKH làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, tăng tần suất bão, lũ lụt và hạn hán, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đơn cử tại các huyện vùng ven biển như: Hàm Thuận Nam, Tuy Phong… trong thời gian qua, dưới tác động của BĐKH, thiên tai xảy ra ngày một thường xuyên và khốc liệt hơn, từ nắng nóng bất thường, lũ lụt hay những cơn lốc xoáy, bão mạnh đã gây thiệt hại lớn cho các địa phương này. Trong đó, các khu vực biển, ven biển ngoài việc tàu thuyền bị chìm, đắm; lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản dưới biển bị sóng mạnh đánh vỡ… thì ở trên bờ, ao nuôi thủy sản, đất nông nghiệp cũng bị xâm nhập mặn.

Còn đối với những huyện vùng cao, vùng miền núi của tỉnh Bình Thuận như: huyện Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc - nơi có rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo nhưng khu vực này lại thường xuyên xảy ra tình trạng hán hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Điều này không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế do cây trồng bị chết, bị giảm năng suất, đất sản xuất bỏ hoang mà trong đời sống hàng ngày, người dân cũng chật vật xoay xở tìm nguồn nước sinh hoạt.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận mới đây cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra một số loại hình thiên tai như lốc xoáy, sét đánh cục bộ; mưa to gây lũ, ngập lụt; gió mạnh; sạt lở đất, sạt lở bờ biển, sự cố, tai nạn tàu thuyền… Hậu quả, thiên tai đã khiến 5 người chết và 31 người bị thương, 21 hộ dân phải di dời. Mưa to, gió lớn đã làm 347 căn nhà bị sập, tốc mái, ngập, hư hỏng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 14.700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 15 lồng bè và 36 ha nuôi cá truyền thống bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh hơn 135 tỷ đồng…

a2.-chu-dong-long-ghep.jpg
Tỉnh Bình Thuận chủ động lồng ghép nội dung ứng phó thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Tập trung các giải pháp giảm nghèo bền vững

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo được cải thiện rõ rệt. Các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở được triển khai kịp thời. Đến nay, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được ưu tiên nguồn lực đầu tư.

Tỉnh Bình Thuận cũng đã giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào cuối năm 2022 cho thấy, tỉnh Bình Thuận còn 8.659 hộ nghèo, chiếm 2,58% so với tổng số hộ toàn tỉnh và 14.355 hộ, chiếm 4,27% hộ cận nghèo và chiếm 4,27% so với tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 32,35%.

Ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Năm 2023, Bình Thuận đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,06%, giảm 0,52% so với năm 2022 và đảm bảo người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Để đạt mục tiêu trên, Bình Thuận đã xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Phan Văn Đăng cũng cho rằng, thiên tai là trường hợp bất khả kháng nhưng nếu con người nâng cao tính chủ động phòng, chống thì sẽ giúp giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời cũng góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo. Do đó, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai các gải pháp như: rà soát, cập nhật bổ sung, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai và chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, tỉnh Bình Thuận tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch; tiếp tục trồng rừng phòng hộ ven biển; tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè biển; xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất; công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước…
Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thích ứng với BĐKH cho người dân địa phương để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại, giúp cuộc sống của người dân ổn định và yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận phòng, chống thiên tai: Hướng đến giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO