Đất đai

Bảo Yên (Lào Cai): Phát huy giá trị nguồn lực đất đai trong công tác giảm nghèo

Bích Hợp 28/03/2024 - 11:35

(TN&MT) - Xác định tài nguyên đất là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội giúp giảm nghèo bền vững. Những năm qua huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã có những bước đi quyết sách đúng đắn và phù hợp quyết tâm thực hiện đột phá, đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề tận dụng giá trị từ đất đai trong công tác giảm nghèo, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi với ông Trần Trọng Thông, Chủ Tịch UBND huyện Bảo Yên xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, Bảo Yên là một trong những huyện của tỉnh Lào Cai đạt hiệu quả cxao trong công tác giảm nghèo. Vậy xin ông cho biết huyện Bảo Yên đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của tài nguyên đất như thế nào để có những hướng đi đúng đắn, đem lại sự đột phá rõ nét trong công tác giảm nghèo tại địa phương?

Ông Trần Trọng Thông: Đất đai là nguồn tài nguyên quý báu, là nền tảng cho sự tồn tại, tham gia vào các hoạt động của xã hội, đời sống kinh tế. Để đưa đất đai vào sử dụng một cách có hiệu quả, hợp lý và phù hợp với yêu cầu về sự phát triển theo đúng định hướng chung của huyện, trước hết UBND huyện Bảo Yên tập chung cho công tác Quy hoạch sử dụng đất.

Trong thời gian qua huyện Bảo Yên đã tập chung tốt cho công tác lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 xác định rõ cơ cấu diện tích các loại đất cần sử dụng trong kỳ quy hoạch tạo tiền đề cho Bảo Yên thực hiện tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

anh-thong-chu-tich-huyen-bao-yen.jpg
Ông Trần Trọng Thông - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, Lào Cai

Theo đó, Bảo Yên đã quy hoạch các khu đô thị mới, khu tái định cư, các trung tâm cụm xã định hướng giải quyết quỹ đất ở theo nhu cầu gia tăng dân số cho khu vực đô thị và nông thôn để đảm bảo phát triển ổn định đời sống dân cư; Quá trình quy hoạch dành đủ đất để xây dựng kiên cố hóa các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm y tế, trụ sơ cơ quan, chợ,... với mong muốn sẽ góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trong năm 2022 huyện Bảo Yên đã triển khai các dự án dựa vào đất để người dân thoát nghèo như: Dự án liên kết sản xuất Quế theo chuỗi giá trị theo hướng hữu cơ; Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (chuối tiêu, chuối ngự); Dự án phát triển vùng cây ăn quả nhiệt đới cây ăn quả theo chuỗi giá trị (Thanh long, Bưởi; Dự án liên kết phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ; khảo nghiệm mô hình trồng xen cây Mắc ca trên chè để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác.

giam-ngheo-2.jpg
Phát triển cây ăn quả nâng cao giá trị của đất là một trong những bước đi quyết sách đúng đắn dựa vào nguồn lực đất đai trong công tác giảm nghèo của Bảo Yên.

Năm 2023 triển khai thực hiện 04 dự án gồm: Dự án liên kết phát triển cây ăn quả theo chuỗi giá trị (Thanh long, Bưởi) trồng mới 68 ha ; Dự án liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị; Dự án liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGap quy mô trồng mới 35 ha; Dự án phát triển trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị, quy mô trồng mới 10 ha.

Pv: Xin ông cho biết rõ hơn về phát huy giá trò của đất trong công tác giảm nghèo của Bảo Yên?

Ông Trần Trọng Thông: Để phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Bảo Yên đã để ra mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững nhất bà con dân tộc thiểu số (DTTS) nhờ vào vai trò của đất. Với nguồn Tài nguyên dồi dào, là nơi có sông Hồng, sông Chảy chảy qua, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Bảo Yên đã phát huy hiệu quả vai trò của tài nguyên đất, tài nguyên nước cho phát triển nông nghiệp.

que-1.jpg
Mô hình trồng quế đã và đang đưa công tác giảm nghèo của Bảo Yên đi vào thực chất và bền vững.

Để phát huy vai trò của tài nguyên đất Bảo Yên tập trung phát triển nông nghiệp với các cây chủ lực gồm: Quế, chè và chuối. Mỗi ha trồng quế cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng, 1ha trồng chuối cho thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng, 1ha trồng chè cho thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng. Các cây trồng này cơ bản đã mang lại đời sống tốt hơn cho người dân. Ngoài ra Bảo Yên cũng phát triển một số cây ăn quả như Bưởi, Thanh long ruột đỏ, Hồng không hạt với tổng diện tích 264,7ha. Những dự án nông nghiệp phát triển qua đó làm tăng giá trị sử dụng tài nguyên đất, nước, giúp người dân cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo.

Đặc biệt, Bảo Yên cũng đẩy mạnh các mô liên kết trong sản xuất để giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Như cây khoai tây Liên kết Công ty Cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt thực hiện 15 ha/100 hộ tại các xã: Long Khánh; Kim Sơn; Lương Sơn. Cà rốt quy mô 20 ha/ 21 hộ và 1 Hợp tác xã tại xã Bảo Hà và Xuân Thượng liên kết với Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Trần Vinh. Hợp tác xã nông nghiệp Vàng Xanh đã ký hợp đồng liên kết sản xuất 25 ha tại các xã Vĩnh Yên, Yên Sơn, Bảo Hà, Xuân Hòa, Kim Sơn, Tân Dương, Xuân Thượng…

giam-ngheo-4.jpg
Mô hình trồng chuối kháng bệnh để phát triển kinh tế, giảm nghèo tại Bảo Yên được người dân tích cực hưởng ứng.

Nhờ có sự đồng lòng của chính quyền cũng như người dân công tác giảm nghèo của Bảo Yên cũng đạt được những con số khả quan, năm 2022 số hộ nghèo của Bảo Yên chỉ con 2.663 hộ, tỷ lệ 12,52%; số hộ cận nghèo 2.440 hộ, tỷ lệ 11,48%.

Năm 2023 Bảo Yên đã giảm được 955 hộ nghèo tương đương tỷ lệ giảm 4,51%, đạt 104,92% kế hoạch giảm nghèo tỉnh giao. Hiên Bảo Yên chỉ còn 1.708 hộ, tỷ lệ 8,01%, số hộ cận nghèo 1.314 hộ, tỷ lệ 6,16%. Số hộ cận nghèo giảm 1.126 hộ, tương đương tỷ lệ giảm 5,32% so với năm 2022, đạt 118,20% kế hoạch huyện giao. Năm 2024 Bảo Yên phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt khoảng 3,0%.

Pv: Huyện Bảo Yên đã gặp phải khó khăn gì trong công tác giảm nghèo dựa vào nguồn lực đất đai, thưa ông?

Ông Trần trọng Thông: Với địa hình đặc trưng là huyện miền núi với đồi núi cao, xen lẫn sông suối, kinh tế chưa phát triển. Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, câu chuyện về giảm nghèo luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Bảo Yên.

Là huyện vùng cao do vậy Bảo Yên thường xuyên có bão lũ, thiên tai, dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Một số Dự án, tiểu dự án liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang triển khai trên địa bàn huyện gặp khó khăn.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, công trình nhằm Bảo Yên, tạo quỹ đất dọc theo tuyến đường, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị và đi lại của nhân dân. Đảm bảo giao thông được thông suốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao từng bước đời sống kinh tế, cải thiện cơ sở vật chất nhưng vẫn còn gặp phải những khó khăn như: do trình độ hiểu biết kém một số người dân vẫn có quan điểm là đất đai là sở hữu của cá nhân người sử dụng đất, khi thực hiện giải phóng người dân vẫn còn đòi hỏi như: thỏa thuận giá đền bù, không đồng ý cho thu hồi đất…

que-2.jpg
Những đồi nương quế ngút ngàn đã mang lại cho người dân Bảo Yên một cuộc sống ấm no và những con số ấn tượng trong công tác giảm nghèo.

Việc dồn điền đổi thửa, để có quỹ đất cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao vẫn chưa thực sự tốt, do đó Bảo Yên vẫn chưa có nhiều những cánh đồng công nghệ cao giúp cho việc giảm nghèo bền vững.

PV: Trong thời gian tới, Bảo Yên có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, đặc biệt là giảm nghèo nhờ vào phát huy giá trị của đất, thưa ông?

Ông Trần trọng Thông: Trong thời gian tới, để giảm nghèo gắn với phát huy giá trị của đất đi vào thực tiễn, huyện Bảo Yên sẽ lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Lào Cai để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế trên chính những diện tích đất nông nghiệp mà gia đình hiện đang có. Phấn đấu đến năm 2025 đưa Bảo Yên về đích nông thôn mới.

giam-ngheo-1.jpg
Diện mạo nông thôn mới của huyện Bảo Yên thay đổi từng ngày nhờ chuyển đổi cây trồng phát huy giá trị từ đất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết các dự án, tạo đầu ra cho các sản phẩm, tăng thu nhập một cách hiệu quả, bền vững. Bảo Yên sẽ đưa Nghị quyết vào cuộc sống làm thay đổi tư duy, giúp bà con đồng bào DTTS hiểu rõ phương thức, cách làm, canh tác diện tích đất của mỗi gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất mà họ có.

Thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai rà soát xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn (hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ tư liệu sản xuất) phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất.

PV : Xin trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo Yên (Lào Cai): Phát huy giá trị nguồn lực đất đai trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO