Xã hội

Bắc Ninh: Đưa dòng vốn tín dụng đến với người nghèo

Việt Khang 24/04/2024 - 17:32

(TN&MT) - Các chương trình tín dụng chính sách tại Bắc Ninh đã và đang làm thay đổi cuộc sống cho các hộ nghèo và gia đình chính sách. Vốn chính sách cũng đã trở thành "điểm tựa" giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thêm vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Vốn tín dụng - Đòn bẩy để thoát nghèo

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ người dân nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Với phương châm “đưa vốn ưu đãi đến gần dân” hơn và không để đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không được tiếp cận vốn chính sách, công tác cho vay vốn được các đơn vị của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ. Từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại hiệu quả cao nhất.

bac-ninh.jpg
Bắc Ninh đưa vốn tín dụng đến với người nghèo

Theo thống kê, giai đoạn 2020-2023, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã góp phần giúp hơn 20.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 2.800 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho hơn 34.000 lao động từ vốn giải quyết việc làm; xây dựng hơn 100.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 1,2% năm 2020 xuống còn 0,75% năm 2023 và là một trong các tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn quốc.

Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay theo đúng đối tượng thụ hưởng, công tác thu hồi vốn cũng đạt hiệu quả tích cực. Đối với số vốn thu hồi chương trình hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên… ngân hàng cân đối tiếp tục quay vòng giải ngân cho những hộ hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn. Đồng vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh quản lý cho vay ưu đãi 14 chương trình tín dụng, duy chỉ có 2 chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ là Ngân hàng chính sách xã hội trực tiếp cho vay, còn lại 12 chương trình cho vay theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Ở cấp cơ sở là các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc các hội, đoàn thể.

Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 2.200 tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp các xã, phường, thị trấn. Từ các buổi sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, các chủ trương, chính sách của Nhà nước được phổ biến công khai, việc bình xét cho vay minh bạch và dân chủ. Chất lượng tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được nâng cao.

Ngoài sự sâu sát của cán bộ tín dụng thì việc củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn giữ vai trò hết sức quan trọng. Việc duy trì nền nếp hoạt động của các tổ giao dịch lưu động tại xã, phường tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay, thực hiện công khai, dân chủ trong việc sử dụng vốn chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Đảm bảo hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách

Năm 2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng huy động và dư nợ 10%; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 95 tỉ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tham mưu cấp bổ sung nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách ngay từ những ngày đầu năm để kịp thời giải ngân nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng và bố trí nguồn vốn đối ứng từ Trung ương.

Đồng thời, tập trung thu hồi nợ đến hạn, đẩy mạnh huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân và nhận tiền gửi của thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn; giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn vay của các đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm nhanh và bền vững hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.

tien-du-sau-20-nam-thuc-hien-1-1-.jpg
Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ xây nhà tình nghĩa ở Bắc Ninh

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với các chương trình tín dụng chính sách.

Đồng thời, đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách, phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đặc biệt luôn duy trì, giữ vững vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tiếp tục rà soát nhận diện đúng đối tượng thụ hưởng để thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Đưa dòng vốn tín dụng đến với người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO