Xã hội

Hà Giang: Liên kết chuỗi giá trị giúp giảm nghèo trên vùng đất khó

Minh Khang 24/04/2024 - 15:54

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang có nhiều hợp tác xã xây dựng mối liên doanh, liên kết với người dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Chuỗi liên kết giữa hợp tác xã và người dân đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số thay đổi tư duy để thoát nghèo.

Hình thành các chuỗi liên kết bền vững

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông nghiệp tạo ra sinh kế cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) - Dự án 3 với những tiểu dự án thực hiện các mối liên kết sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các mô hình theo hình thức sản xuất chuỗi giá trị và được kỳ vọng giúp cho người dân nghèo thay đổi tư duy, thoát nghèo.

Để người dân yên tâm khi tham gia Dự án 3, các địa phương đã chủ động thành lập các tổ hợp tác. Đây là nơi để những người dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, bài toán đầu ra cũng đã được các địa phương quan tâm.

1_20230228154238.jpg
HTX liên kết trồng củ cải xuất khẩu tại huyện Xí Mần

Hiện nay, tỉnh vùng cao Hà Giang có hơn 480 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp, dược liệu.

Ông Hoàng Hồng Trường, Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đã thay đổi nhận thức và sản xuất. Ngày càng nhiều hợp tác xã xây dựng mối liên kết trong sản xuất với người dân nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định. Mối liên kết theo chuỗi giá trị đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn người dân khu vực nông thôn.

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Pó Mỷ, thị trấn Ðồng Văn, huyện Ðồng Văn là một thí dụ điển hình trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả với người dân. Với sản phẩm chủ lực là mật ong hoa bạc hà, hợp tác xã đã xây dựng mối liên kết với người nuôi ong để có nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng.

Hằng năm, Hợp tác xã thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật bảo đảm cho đàn ong phát triển tốt. Qua đó đã có gần 30 hộ nông dân trên địa bàn huyện Ðồng Văn liên kết với Hợp tác xã Pó Mỷ để nuôi ong, hộ ít nuôi vài chục tổ, hộ nhiều nuôi đến 200 tổ. Mối liên kết này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp hợp tác xã có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng.

2222_20230727161827.jpg
Sản phẩm OCOP của các hợp tác trên địa bàn tỉnh Hà Giang xã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn

Trước đây, người dân chỉ quen với phương thức sản xuất đơn lẻ, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay, Hà Giang đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng cam sành ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình; vùng sản xuất chè Shan tuyết ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần; vùng nuôi ong bạc hà, nuôi bò vàng ở Cao nguyên đá Ðồng Văn; vùng trồng cây dược liệu ở Vị Xuyên, Quản Bạ.

Sự lớn mạnh của các hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã hình thành các hợp tác xã hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, theo ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, thời gian vừa qua, tỉnh Hà Giang đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế. Hiện đã có hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ đầu tư thay đổi dây chuyền sản xuất; hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn vay ngân hàng và quỹ hỗ trợ hợp tác xã.

Phát triển 8 chuỗi giá trị chủ lực

Dựa vào lợi thế có sẵn về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Hà Giang xác định các chuỗi giá trị về nông lâm sản và thủy sản. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện 2 chuỗi giá trị là Chè Shan tuyết và Mật ong bạc hà, đồng thời xây dựng 6 chuỗi giá trị mới.

Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Giang đã ban hành Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2025. Theo Đề án, Hà Giang sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà trọng tâm là chương trình mỗi xã một sản phẩm.

vi-xuyen.png
Hoàn thiện 2 chuỗi giá trị Chè Shan tuyết Hà Giang

Tỉnh cũng sẽ xây dựng nhãn hiệu, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các chuỗi sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa. Tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp, hoàn thiện 2 chuỗi giá trị Chè Shan tuyết Hà Giang và mật ong bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá. Xây dựng 6 chuỗi giá trị mới gồm chuỗi cây dược liệu Hà Giang; Lúa đặc sản chất lượng cao tại 2 huyện phía tây; Cây tam giác mạch; Bò vàng; Lợn đen tại 4 huyện vùng cao nguyên đá và cây ăn quả ôn đới.

Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 có 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. 100% cán bộ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Liên kết chuỗi giá trị giúp giảm nghèo trên vùng đất khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO