Xã hội

Phú Lương (Thái Nguyên): Trồng rừng tạo sinh kế cho nông dân nghèo

Việt Anh 24/04/2024 - 15:55

(TN&MT) - Với lợi thế về lâm nghiệp, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo sinh kế cho người dân. Từ đó góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo và phát triển rừng theo hướng bền vững.

Phát huy thế mạnh kinh tế rừng

Trồng rừng cần đi đôi với bảo vệ rừng tự nhiên, tỉ lệ che phủ rừng tăng là một trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường, chỉ tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, vì rừng còn là nguồn sinh kế, nguồn thu nhập của hàng triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số nên trồng cây gây rừng có thể nói là “đòn bẩy” quan trọng để tăng thu nhập cho người trồng và chăm sóc rừng.

Phú Lương hiện có gần 16.700ha rừng, chiếm 48% tổng diện tích tự nhiên. Trong số trên, diện tích rừng sản xuất là trên 14.200ha, còn lại là rừng phòng hộ (chủ yếu là các loại cây keo, mỡ, bạch đàn), tập trung tại các xã: Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt…

trong-rung-phu-luong.jpg
Người dân huyện Phú Lương chăm sóc cây giống phục vụ trồng rừng

Mỗi năm toàn huyện trồng mới khoảng trên 500ha rừng, khai thác khoảng 350ha rừng với trên 50.000m³ gỗ. Năm 2023, giá trị kinh tế rừng của Phú Lương đạt 218 tỷ đồng.

Được biết, xã Yên Ninh là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất huyện Phú Lương, với trên 3.100ha, trong đó có khoảng 2.100ha rừng sản xuất. Khai thác, phát huy lợi thế đó, xã luôn chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất lâm nghiệp; thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con nhân dân phát triển kinh tế rừng, tham gia thực hiện các dự án trồng rừng… Hiện nay, trong xã có gần 1.000 hộ có nguồn thu nhập từ rừng, chiếm khoảng 50% tổng số hộ.

Ông Nông Văn Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Yên Ninh luôn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với cách làm này, người dân vừa chăm sóc được diện tích rừng đến tuổi khai thác, vừa có nguồn thu nhập thường xuyên để duy trì sinh hoạt, nâng cao đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,33%, giảm 1,04% so với đầu năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2020.

2-z5103941867623_7ebc66b839c439c875c437ffd33022a0_20240216002031_20240217095438.jpg
Huyện Phú Lương có 191 cơ sở chế biến lâm sản, đáp ứng đầu ra cho 100% diện tích rừng khai thác hàng năm của địa phương

Cùng với xã Yên Ninh, với khoảng 1.500ha rừng sản xuất, Yên Lạc cũng là địa phương có lợi thế phát triển lâm nghiệp ở Phú Lương. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, UBND xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho bà con trồng rừng. Trong năm 2023, xã Yên Lạc đã được thẩm định 18 hồ sơ khai thác rừng, với diện tích gần 25ha và khối lượng khai thác gần 14.000³ gỗ.

Ông Thi Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết về phát triển kinh tế rừng của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, UBND xã Yên Lạc đã chỉ đạo các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con; hướng dẫn các hộ đưa giống cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. UBND xã Yên Lạc cũng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ và phát triển rừng.

Hỗ trợ người dân nâng cao giá trị kinh tế từ rừng

Hiện nay, người dân trong huyện Phú Lương đang tích cực trồng rừng theo kế hoạch năm 2024 với diện tích được giao trồng mới là 500ha, đồng thời nâng tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn lên trên 226ha. Huyện phấn đấu trong năm nay, sau khi hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng mới, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt trên 41%; giá trị sản xuất ngành lâm sản của huyện đạt 127 tỷ đồng.

Để chương trình trồng rừng đạt kết quả cao, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rừng theo đúng mật độ, khoảng cách, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Nguyễn Văn Thuận, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương các xã là tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền cho người dân để họ nhận thức được hiệu quả trong phát triển kinh tế trồng rừng. Diện tích đất rừng của Phú Lương với tiềm năng sẵn có, chúng tôi tập trung cho việc phát triển trồng rừng, trong đó tập trung phát triển cây keo.

phu-luong.jpg
Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với UBND các xã để triển khai các cơ chế, chính sách, hỗ trợ người dân nâng cao giá trị kinh tế từ rừng như: Hỗ trợ trồng rừng theo dự án; tập huấn chuyển giao kĩ thuật trồng rừng, kết nối tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp; phối hợp cấp chứng chỉ FSC (Đây là một tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu. Chứng chỉ này đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 6,48%/năm, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 600 ha rừng sản lượng gỗ khai thác trung bình khoảng 42.600 m3/năm góp phần phòng, chống lũ, điều tiết nước, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tạo động lực để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến lâm sản mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Lương (Thái Nguyên): Trồng rừng tạo sinh kế cho nông dân nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO