Lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 2.897 vụ CNCH, trong đó có 2.179 vụ CNCH trong đám cháy; 356 vụ CNCH dưới nước; 141 vụ CNCH phương tiện giao thông; 37 vụ CNCH sập đổ công trình; 41 vụ CNCH hang hầm, giếng sâu; 38 vụ CNCH trên cao và 105 vụ CNCH sự cố, tai nạn khác.
Trong các vụ CNCH đã trực tiếp cứu được 452 người; hướng dẫn cho hàng nghìn người thoát nạn an toàn; tìm được 326 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Tình hình cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 43,8% tổng số vụ cháy. Trong đó, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu xảy ra tại khu chung cư, nhà dân có kết cấu theo dạng nhà ống, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các công trình này đều không đảm bảo yêu cầu về an toàn PCCC như thiếu lối thoát nạn, hệ thống thiết bị điện xuống cấp, quá tải, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn...; bên cạnh đó người dân thiếu kỹ năng xử lý, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Nguyên nhân gây cháy chủ yếu vẫn do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (trên 50%); do vi phạm, sơ suất trong quá trình sử dụng lửa trần, xăng dầu, khí đốt, hóa chất.... Cháy lớn xảy ra chủ yếu tại các cơ sở trong khu công nghiệp, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như dệt may, bao bì, chế biến gỗ, siêu thị, kho hàng...
Để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hãy chấp hành nghiêm Luật PCCC và các quy định khác về PCCC; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thận trọng trong việc sử dụng điện và các chất dễ cháy: Xăng, dầu, khí đốt, hóa chất…; tăng cường công tác thường trực, chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để cứu người, cứu tài sản và dập tắt kịp thời nếu có cháy xảy ra.
Khi xảy ra cháy, hoặc cần CNCH báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC, số máy 114.