Yên Bái: Kinh tế càng phát triển vấn đề môi trường đặt ra càng lớn

10/10/2016 00:00

(TN&MT) - Trong những nằm gần đây, tỉnh Yên Bái đang có những bước chuyển mình tích cực về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi đôi với những kết quả đã đạt được là những thách thức về môi trường đặt ra ngày càng lớn, đặc biệt vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt(CTRSH). Xung quanh vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.

Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái

PV: Xin ông cho biết, thực trạng phát sinh CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay?

Ông Hà Mạnh Cường: Trong những năm qua, từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, kinh tế của tỉnh Yên Bái đã có những bước chuyển mình nhất định. Nhiều dự án lớn của các tập đoàn kinh tế, các công ty nước ngoài đã, đang và sẽ được triển khai. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng lên đáng kể. Chất lượng và nhu cầu cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, cùng với đó là những thách thức về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc thu gom, xử lý chất thải đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt đặt ra ngày càng lớn.    

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên lớn, dân cư thưa thớt nên vấn đề CTRSH chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị phát triển như: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn trung tâm các huyện. Các nguồn phát sinh CTRSH chủ yếu gồm: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống; các khu thương mại; hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình, cá nhân, hoạt động của các cơ quan, trường học, bệnh viện; các khu vực công cộng nhà ga, bến xe, công viên, đường phố.

Theo số liệu thống kê đến hết năm 2015, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng gần 164.000 tấn/năm. Trong đó, lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị khoảng gần 74.000 tấn/năm, còn lại là tại khu vực nông thôn. Chính vì vậy, kinh tế càng phát triển vấn đề môi trường đặt ra càng lớn, đây chính là thách thức cho sự phát triển bền vững.

PV: Với lượng chất thải phát sinh như vậy, hàng ngày việc thu gom, xử lý có để tồn đọng hay không, thưa ông?

Ông Hà Mạnh Cường: Nhìn chung, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được triển khai khá tốt và hiệu quả. Hầu hết lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị đều được thu gom, vận chuyển và đem đi xử lý ngay trong ngày, không để tồn đọng. Việc thu gom được thực hiện trên các đường phố, tại các khu công cộng, khu dân cư, chợ, nhà ga, bến xe... nhằm đảm bảo thu gom tối đa lượng CTRSH phát sinh. CTRSH sau khi thu gom được tập kết tại các điểm như ngã ba, ngã tư, nơi thuận tiện cho việc vận chuyển về nơi xử lý.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và tại thị trấn các huyện. Đặc biệt, tại thành phố Yên Bái có 1 đơn vị thực hiện mô hình xử lý rác thải không tiếp đất, biến rác thải trở thành nguồn tài nguyên sản xuất phân bón vi sinh và hạt nhựa.

PV:Được biết, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố và một vài huyện lân cận được Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Báivận chuyển về và xử lýsản xuất phân bón vi sinh và tái chế hạt nhựa. Ông đánh giá như thế nào về công nghệ xử lý này?

Ông Hà Mạnh Cường: Năm 2014, Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành đã đưa vào vận hành dây chuyền Nhà máy xử lý rác thải - Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái. Nhà máy sử dụng mô hình công nghệ tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất làm ra các sản phẩm có ích cho xã hội. Rác thải sau khi được vận chuyển về Nhà máy được phun vi sinh khử mùi, sau đó được phân loại sơ bộ lần 1 rồi qua hệ thống nghiền - xé rác, tuyển gió - từ. Tiếp đó, rác thải được phân loại lần 2 rồi tiếp tục qua hệ thống tuyển từ, tuyển gió lần thứ 2. Sản phẩm sau cùng là rác thải đã được đồng nhất kính thước hữu cơ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh qua các công đoạn như: Phối trộn, ủ thổi khí, nghiền, sàng, phối trộn phụ gia, tạo viên, sấy...

Các sản phẩm thải bỏ từ 2 quá trình phân loại như: Vỏ xe, vật thể vô cơ, bao nilon, cao su, kim tiêm, vật liệu chứa... tùy từng loại được tái sử dụng với các mục đích khác nhau. Với thành phần rác thải không tái chế được mang đốt hoặc chôn lấp hợp vệ sinh tùy theo thành phần và tính chất của rác thải.

Thực tế cho thấy, đây là công nghệ khá hiện đại, khép kín, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với công nghệ chôn lấp trước đây, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải và mang lại hiệu quả kinh tế. Thời gian gần đây, đã có nhiều tỉnh như: Bắc Ninh, Thái Bình, Hòa Bình, Điện Biên, Thanh Hóa... biết đến công nghệ này họ đã đến thăm quan, học tập để nghiên cứu triển khai thực hiện tại địa phương.

PV: Thưa ông, hiện công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn những tồn tại và hạn chế gì?

Ông Hà Mạnh Cường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái mới chỉ có 2 đơn vị dịch vụ môi trường là Công ty cổ phần, các đơn vị còn lại đều trực thuộc UBND các huyện, thị xã do đó chưa tự chủ về thu phí vệ sinh cũng như đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển. Đồng thời, là tỉnh miền núi, nên việc bố trí nguồn vốn đối ứng địa phương để triển khai các Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo các bãi rác thải còn khó khăn.

Ngoài 2 bãi rác của huyện Trấn Yên, Văn Yên đang được đầu tư xây dựng, cải tạo thành bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh vẫn còn 2 bãi rác thải sinh hoạt thuộc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg nhưng chưa được triển khai thực hiện do chưa bố trí được nguồn vốn (Bãi rác thị xã Nghĩa Lộ và Bãi rác huyện Yên Bình).

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt cũng như tác hại của việc vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi ra các khu vực công cộng, ven đường, suối, ao, hồ...

PV:Trong thời gian tới, Sở TN&MT có những kiến nghị, đề xuất gì để nâng cao hiệu quả xử lý CTRSH, thưa ông?

Ông Hà Mạnh Cường: Đối với các dự án xử lý các bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tham mưu Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn để hỗ trợ tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện xử lý 2 bãi rác thải còn lại thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg là bãi rác thải thị xã Nghĩa Lộ, bãi rác thải huyện Yên Bình và một số bãi rác khác đã và đang gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xem xét nâng mức hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách trung ương đối với các tỉnh còn khó khăn như Yên Bái.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Tài chính xem xét bố trí, nâng mức kinh phí sự nghiệp môi trường cho tỉnh Yên Bái, để có điều kiện triển khai tốt hơn công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hùng - Thanh Ngà (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Kinh tế càng phát triển vấn đề môi trường đặt ra càng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO