(TN&MT) - Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm, chú trọng. Hiện tại, Bến Tre đã và đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp BVMT nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều kết quả tích cực
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bến Tre, công tác quản lý nhà nước về BVMT thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, các chính sách và các quy định được ban hành, triển khai đồng bộ, cơ bản đảm bảo sự thống nhất với hệ thống pháp luật về BVMT của Trung ương và hài hòa với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, trên cơ sở các quy định của pháp luật về BVMT, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều quy định, chính sách triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông về BVMT ngày càng được nâng cao, đa dạng bằng nhiều hình thức và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan báo, đài.
Cùng với đó, BVMT trong xây dựng nông thôn mới, trong các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ,... cũng đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát từ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương mang lại hiệu quả tích cực. Nhìn chung, đến nay, các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.
Trong đó, đáng ghi nhận nhất là cơ bản đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất than thiêu kết và tại các bãi chôn lấp rác tập trung của các huyện, Nhà máy xử lý rác thải huyện Thạnh Phú, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, và khắc phục được sự cố ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri.
Đối với nước thải, 100% các khu công nghiệp trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về BVMT theo quy định. Còn với chất thải rắn, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đưa về cơ sở xử lý tập trung khoảng 400 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị là khoảng 280 tấn/ngày, chiếm 82% và tại khu vực nông thôn khoảng 120 tấn/ngày, chiếm khoảng 14%.
Riêng đối với khu vực nông thôn, phần lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và tự xử lý tại hộ gia đình đảm bảo đạt các yêu cầu về BVMT trong xây dựng nông thôn mới, với khối lượng khoảng 430 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 53%. Ngoài ra, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cũng được chú trọng thực hiện; có 100% các xã, phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và và các văn bản hướng dẫn.
Tăng cường các giải pháp
Cũng theo UBND tỉnh Bến Tre, bên cạnh những kết quả tích cực, thì công tác BVMT trên địa bàn thời gian qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế, vướng mắc, nhất là về nguồn lực đầu tư. Cụ thể như, hàng năm UBND tỉnh cân đối ngân sách chi cho BVMT nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, không đủ kinh phí để hỗ trợ địa phương. Trong khi đó, Bến Tre chưa có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa trong BVMT nên nguồn lực tài chính cho công tác BVMT chưa đáp ứng yêu cầu trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như hiện nay.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh kịp thời cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định trong lĩnh vực BVMT đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật về BVMT của Trung ương, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời cụ thể hóa cơ chế, chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư trong các hoạt động BVMT nói chung, và trong lĩnh vực xử lý rác thải, tái chế chất thải, xử lý nước thải, khí thải nói riêng.
Về nguồn lực đầu tư, Bến Tre sẽ tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT, nhất là đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải và khí thải than thiêu kết; tăng chi ngân sách cho sự nghiệp BVMT, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài. Tăng cường vai trò điều phối, phân bổ nguồn lực đầu tư, chi ngân sách cho hoạt động BVMT của cơ quan quản lý nhà nước; các nguồn thu từ phí BVMT được ưu tiên đầu tư trở lại cho các hoạt động BVMT; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành ngành công nghiệp môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.
Đối với công tác cán bộ, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo ngành chức năng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước về BVMT cho đội ngũ cán bộ, công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT. Thông qua đó, giúp đội ngũ này kịp thời nắm rõ được những quy định, hướng dẫn mới của pháp luật về BVMT để nhằm từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả tham mưu ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ các quy định về BVMT đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải lớn, các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT; giúp thay đổi nhận thức về BVMT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội; huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát BVMT trên địa bàn.
Trong công tác tuyên truyền, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã giao Sở TN&MT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác BVMT và biến đổi khí hậu; chú trọng công tác quản lý, xử lý rác thải, phân loại rác thải tại nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến phát triển bền vững, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng “Bến Tre xanh”.
Về khoa học và công nghệ, Bến Tre sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung nguồn lực phát triển công nghệ giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương như xử lý khí thải than thiêu kết, xử lý rác thải, nước thải,... nhằm sớm mang lại hiệu quả thiết thực.
Riêng với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, sẽ khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, chậm nhất đến quý I/2026 đi vào hoạt động trở lại, giải quyết dứt điểm các vấn đề về rác thải của tỉnh trong thời gian qua. Cạnh đó, xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo hoặc đóng cửa các bãi rác chôn lấp rác thải cấp huyện đã quá tải. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn xã hội hóa nhằm đáp ứng lộ trình triển khai phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.