Mở rộng đường Láng (Hà Nội): Sẽ nghiên cứu nhiều phương án
(TN&MT) – Theo phương án ban đầu Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội nghiên cứu, đường Láng hiện tại sẽ được mở rộng gấp đôi, cùng với đó là xây tiếp đoạn trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Tổng mức đầu tư khái toán ban đầu khoảng 21.000 tỷ đồng.
Tại báo cáo của Sở GTVT về các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của TP Hà Nội đang được Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, có dự án mở rộng Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, bao gồm cả trên cao và mở rộng đường Láng hiện tại.
Cụ thể, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy dự kiến có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.
Do tổng đầu tư lớn, nên Sở GTVT Hà Nội đề xuất tách thành hai dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8 km. Điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy, chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng và xây lắp 541 tỷ đồng.
Hiện nay, chiều rộng mỗi bên là 10,5m, khi cải tạo xong đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị. Các hạng mục đầu tư chủ yếu là giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, nền mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật, nghiên cứu đồng bộ các nút giao.
Với dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2 trên cao, điểm đầu kết nối với Vành đai 2 trên cao đã xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Tuyến đường dài 3,8 km, rộng 19 m, vận tốc 80 km/h, là trục chính đô thị. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2026 -2030.
Theo Sở GTVT Hà Nội, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Việc thực hiện dự án nằm trong kế hoạch khép kín các vành đai nội đô, giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.
Ngay sau khi mở rộng đường Láng, không ít chuyên gia giao thông cũng như người dân trên địa bàn Thủ đô băn khoăn về tính hiệu quả của siêu dự án này. Bởi, dự án chỉ dài khoảng 3,8km nhưng tiêu tốn theo dự kiến là hơn 21.000 tỷ đồng. Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng khu vực đường Láng cũng rất phức tạp, liệu có dây dưa kéo dài như Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) hàng chục năm chưa xong.
Thông tin cụ thể về dự án này, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch dài 39km khép kín, hiện còn 6,1km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng theo Quy hoạch.
Trong đó, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện tại) và đoạn hơn 2km ở phía Bắc sông Hồng. Do vậy, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín 39km Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết.
Nếu hoàn thiện được toàn bộ tuyến Vành đai 2 theo quy hoạch thì sẽ giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông, giải quyết các điểm giao cắt trên các tuyến giao thông trọng điểm, hỗ trợ giảm tải cho Vành đai 3 hiện tại…
“Hiện thông tin mới chỉ là ban đầu, sơ bộ, trong quá trình thực hiện sẽ phải triển khai một loạt các công việc nữa, sẽ đưa ra nhiều phương án khác nhau chứ không chỉ là một phương án. Chúng tôi đã lựa chọn được đơn vị tư vấn để chính thức đi vào nghiên cứu cụ thể dự án”- ông Thành cho hay.
Cũng theo ông Thành, dự án mở rộng đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp không dài nhưng quy mô giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến rất lớn, cùng với hàng cây xà cừ lâu năm chạy dọc đường Láng cũng được yêu cầu đơn vị Tư vấn phải có phương án bảo tồn, ưu tiên giữ lại hàng cây xà cừ.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng phải cân đối nguồn vốn để thực hiện. Bởi hiện tại TP Hà Nội đang tập trung làm Vành đai 4 có tổng mức đầu tư rất lớn. Đây cũng là bài toán đặt ra với cơ quan quản lý Nhà nước.
“Chúng tôi khẳng định, khi kịch bản đưa ra là đưa ra nhiều phương án, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải chọn được phương án phù hợp , có tính kinh tế và hiệu quả nhất, thậm chí là đặt lên bàn cân, có thể triển khai dự án hay là không”: Ông Thành nhấn mạnh.
Thậm chí, cũng sẽ nghiên cứu phương án làm Vành đai 2 trên cao về phía sông Tô Lịch, vừa không phụ thuộc dự án mở rộng dưới thấp và bảo tồn được hàng xà cừ lâu năm, nhưng phương án này phải tính toán cụ thể về chất lượng công trình có đảm bảo?. Việc thoát nước có bị ảnh hưởng hay không, cảnh quan đô thị và đặc biệt địa chất có ảnh hưởng đến chất lượng công trình hay không?. Tuy vậy, cũng mới chỉ giải quyết được phần trên cao, còn phần dưới thấp theo quy hoạch phải mở rộng 53m, nếu không làm đường dưới thấp thì sẽ không thể làm được đường trên cao.
Về dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng cho cả phần trên cao và dưới thấp, ông Thành cho rằng, đây mới chỉ là dự tính, chưa có con số chi tiết. Khối lượng GPMB của dự án rất lớn, bởi vậy phải có đánh giá chi tiết. Sở GTVT Hà Nội đưa ra mới chỉ là bài toán tổng thể.
Cũng ông Thành cho hay, đây là dự án có quy mô phức tạp, sẽ được lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp ngành và người dân, đặc biệt là người dân nằm trong vùng tác động của dự án.
Đặc biệt, dự án sẽ rút kinh nghiệm từ Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục, sẽ không để dây dưa kéo dài. Các yếu tố này sẽ được đánh giá đầy đủ khi bắt tay vào nghiên cứ. Trước khi triển khai dự án, Sở GTVT Hà Nội sẽ lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án.
Theo ông Thành, sớm nhất thì phải đến cuối năm nay mới trình Hội đồng nhân dân TP Hà Nội xin chủ trương đầu tư dự án.