Khởi động dự án tuyên truyền phòng chống buôn bán ngà voi trái phép
Ngày 13/2, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Vườn quốc gia Ba Vì tổ chức sự kiện trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ 2025 và khởi động dự án "Truyền thông nâng cao nhận thức cho khách du lịch về phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam".
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cho biết: Năm 2025 đánh dấu 50 năm Công ước CITES về chống buôn bán động vật hoang dã có hiệu lực trên toàn cầu. Tham gia CITES hơn 30 năm, từ năm 1994, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý để kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã.
Trong đó, voi, đặc biệt là voi châu Á và voi châu Phi là những loài được CITES coi trọng bảo về ở mức cao nhất ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Tại Việt Nam, voi cũng được đưa vào Nhóm I danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Điều này cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn: Voi là loài động vật bị sẵn bắt, giết hại nhiều nhất trên toàn cầu.
![476122639_1125030168950170_5650832965438190942_n.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/476122639_1125030168950170_5650832965438190942_n.jpg)
Trong nỗ lực bảo vệ loài voi, Việt Nam cho thấy sự tích cực trong nỗ lực điều tra, truy tố, xét xử những tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt liên quan đến cá loài thú quý hiếm như voi, hổ, tê giác, tê tê… Năm 2023 và 2024, lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ hàng chục tấn ngà voi nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Đáng chú ý, các lô hàng này được trung chuyển qua nhiều quốc gia khác trước khi bị bắt.
Tuy nhiên, theo ông Chu Ngọc Quân, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong nỗ lực chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã nhưng Việt Nam vẫn đang là một “điểm nóng” trung chuyển các sản phẩm này do vị trí thuận lợi trong thị trường buôn bán động vật hoang dã rộng lớn ở châu Á. Đặc biệt, phần lớn nhu cầu mua bán ngà voi, các sản phẩm từ động vật hoang dã đến từ du khách tế đến Việt Nam.
Do đó, CITES VIệt Nam, phối hợp cùng WWF-Việt Nam và các cơ quan quản lý trong nước triển khai dự án tuyên truyền phòng chống buôn bán ngà voi tại Việt Nam. Dự án nhằm nâng cao nhận thức của du khách về quy định pháp luật của Việt Nam đối với hành vi mua bán, tiêu thụ, vận chuyển ngà voi trái phép, góp phần chấm dứt các hoạt động mua, bán, vận chuyển ngà voi trái pháp khi đi du lịch tại Việt Nam. Qua đó, nâng cao hiệu quả thực thi Công ước CITES và bảo tồn loài voi ở Việt Nam.
Tiếp lời ông Chu Ngọc Quân, ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì, kỳ vọng chương trình Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2025 và dự bán chiến dịch truyền thông nhân cao nhận thức về phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật sẽ truyền đi một thông điệp rõ ràng, có ý nghĩa tới người dân địa phương và du khách tới tham quan. Thông qua trồng cây xanh, bảo vệ môi trường và ngăn chặn tình trạng buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép, chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường , để rừng phát triển ngày càng xanh tốt hơn, đảm bảo môi trường sống cho cả con người và các loài động, thực vật.
![476067342_652687263951648_7577819841707865158_n.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/476067342_652687263951648_7577819841707865158_n.jpg)
Đại diện WWF-Việt Nam phát biểu tại lễ phát động, ông Thibault Ledecq, Giám đốc bảo tồn của WWF-Việt Nam, lưu ý: Động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm đang ngày một suy giảm. Trong đó, loài voi đang suy giảm ở mức đáng báo động nhất và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Tại khu vực châu Á, theo ước tính của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vào năm 2018, chỉ còn khoảng 50.000 cá thể voi sinh sống ngoài tự nhiên.
Một trong những nguyên nhân thúc đấy tình trạng này là nạn săn bắt voi trái phép tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo ghi nhận của ETIS, tổng khối lượng ngà voi bị phát hiện và bắt giữ từ năm 2008 đến nay lên tới 70 tấn. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng ngà voi buôn bán trái phép bị bắt giữ nhiều nhất Đông Nam Á.
![475961044_1308644727074532_8390891590152049841_n.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/475961044_1308644727074532_8390891590152049841_n.jpg)
Việt Nam đã tham gia Công ước CITES từ năm 1994, đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện rõ quyết tâm trong công tác phòng chống buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã nói chung và sản phẩm làm từ ngà voi nói riêng vẫn tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước. Một trong những nguyên nhân là do vẫn còn nhu cầu mua từ khách nước ngoài.
Theo đó, WWF-Việt Nam hy vọng chiến dịch truyền thông lần này sẽ hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi của du khách khi tới Việt Nam.
Chia sẻ về nội dung dự án tuyên truyền, ông Tạ Huy Vũ, cán bộ của WWF-Việt Nam, cho biết dự án được triển khai từ tháng 1 đến tháng 3/2025. Trong đó, dự án sẽ trình chiếu hình ảnh và phát đi thông điệp: “Việt Nam kiên quyết nói không với ngà voi; mọi hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh”.
![476214229_1099493385197311_4439404411396919932_n.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/476214229_1099493385197311_4439404411396919932_n.jpg)
Hình ảnh và áp phích sẽ được trình triếu ở 2 sân bay quốc tế của Việt Nam, nơi có nhiều khách du lịch qua lại, và tại 4 thành phố lớn bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và TP.HCM.
Sau lễ phát động, các đại biểu đã tham gia trồng cây xanh tại Vườn Quốc gia Ba Vì.
![476400171_1158172859045839_1570914879444361506_n.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/476400171_1158172859045839_1570914879444361506_n.jpg)
![476393847_3246961235441012_3975108702320681779_n.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/02/13/476393847_3246961235441012_3975108702320681779_n.jpg)