Ưu tiên vốn để an cư

11/09/2018 11:42

(TN&MT) - Nhằm bố trí dân cư vùng có nguy cơ về thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở núi...) đến nơi định cư an toàn, các tỉnh phía Bắc đang thực hiện 188 dự án di dân, tái định cư với tổng nhu cầu vốn gần 4.800 tỷ đồng. Hiện, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án thực sự cấp bách, cần phải ưu tiên để có cơ sở bố trí ngân sách hỗ trợ trong giai đoạn 2018 - 2020.

Ưu tiên vốn để an cư
Hỗ trợ tái định cư với tổng nhu cầu vốn gần 4.800 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Minh

Nhu cầu di dân ngày càng cao

Theo dự thảo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ bố trí dân cư vùng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, đến hết năm 2017, các tỉnh đã bố trí di dời, sắp xếp ổn định cho 4.480 hộ vùng có nguy cơ thiên tai, trong đó hơn 2.200 hộ được đưa vào các điểm dân cư mới, hơn 11.600 hộ được bố trí xen ghéo vào các điểm dân cư hiện có và ổn định tại chỗ cho 1.051 hộ. Các địa phương cũng nỗ lực đảm bảo hạ tầng cơ bản như giao thông nội vùng, công trình thuỷ lợi nhỏ, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, người dân có đất ở, đất sản xuất.

Những năm gần đây, thiên tai ở nước ta diễn biến bất thường và khắc nghiệt, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực các tỉnh trung du, miền núi và làm phát sinh thêm nhiều điểm có nguy cơ cao. Đối tượng chịu ảnh hưởng phần lớn là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, giai đoạn 2018 - 2020, các tỉnh phía Bắc đề nghị tiếp tục bố trí, di dời, sắp xếp ổn định cho hơn 23.000 hộ dân. Tổng nhu cầu vốn là 4.793 tỷ đồng, trong đó, đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ là 4.213 tỷ đồng.

Tại Hội nghị về thực trạng và giải pháp bố trí, theo đại diện nhiều địa phương, phần lớn trong số các dự án đề xuất là những dự án đang thực hiện từ những giai đoạn trước. Nhu cầu bố trí dân cư rất lớn song việc bố trí vốn đầu tư cho Chương trình ở Trung ương hàng năm và địa phương theo kế hoạch hằng năm rất hạn chế. Bình quân mỗi tỉnh chỉ được ngân sách Trung ương bố trí từ 4 - 6 tỷ đồng/năm, do đó, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách để xây dựng địa bàn đón dân. Tiến độ các dự án kéo dài chưa đáp ứng được yêu cầu di dân thực tế.

Theo ông Vũ Văn Luật, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu, địa hình miền núi phần lớn bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn khiến việc xây dựng các điểm tái định cư tập trung khó khăn và tốn kém; thiên tai liên tiếp dẫn đến nhu cầu di dân ngày càng lớn song quỹ đất, quỹ nhà hạn chế, thiếu hỗ trợ làm nhà ở nơi tái định cư. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ theo quy định từ năm 2012 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế

Chung nỗi khó khăn thiếu quỹ đất, tỉnh Yên Bái chủ yếu triển khai phương án tái định cư xen ghép. Năm 2016, tỉnh phải ổn định chỗ ở cho gần 9.000 hộ do những thiệt hại nặng nề từ mưa lũ, trượt lở đất đá. Năm 2017, số lượng hộ phải xen ghép là gần 4.000 hộ. 8 tháng năm nay, tỉnh đang tìm cách ổn định chỗ ở cho hơn 5.000 hộ bị ảnh hưởng của thiên tai. Nhu cầu về các dự án tái định cư, bố trí dân cư đang rất cấp thiết.

Địa phương chịu trách nhiệm về các dự án kém hiệu quả

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, xác định các dự án cấp bách theo nguyên tắc: có thời gian thực hiện không quá 3 năm và thuộc Chương trình Mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông thôn và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc xem xét, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối vốn của Trung ương và địa phương, làm sao để sử dụng được số vốn có hạn mà vẫn đem lại hiệu quả cao. Ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Các dự án được lựa chọn phải là dự án dang dở, dự án mới thực sự cấp bách, cần hoàn thành trong năm 2018 - 2019, kịp di chuyển người dân khỏi vùng thiên tai đến nơi định cư an toàn và đảm bảo quỹ đất ở, đất sản xuất cho người dân; dự án đã hoàn thành các hạng mục thiết yếu nhưng còn thiếu vốn bố trí dân cư. Địa bàn bố trí dân cư phải an toàn và đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Bên cạnh đó, ưu tiên các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai ở vùng trung du, miền núi. Các dự án còn lại sẽ được đưa vào khung ngân sách trong các giai đoạn sau.

“Dựa trên các tiêu chí này, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện danh sách các dự án để đưa vào kế hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai trên địa bàn các tỉnh phía Bắc giai đoạn 2018 - 2020 để báo cáo Chính phủ. Đối với các dự án đầu tư dang dở nhưng không đem lại hiệu quả hoặc đầu tư không đúng đối tượng mục đích sẽ bị loại khỏi chương trình”, ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, các địa phương cần tự nâng cao vai trò trong việc xác định các giải pháp bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, chủ động bố trí vốn đối ứng kết hợp lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án hợp pháp khác trên địa bàn. Đặc biệt là thẩm định nghiêm ngặt các dự án, khảo sát điểm tái định cư đảm bảo độ an toàn, hạn chế điều chỉnh bổ sung hàng năm làm chậm tiến độ dự án. Chú trọng lồng ghép chính sách, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là công trình xử lý rác thải ở các điểm dân cư… góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các hộ dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên vốn để an cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO