Tái định cư ổn định cuộc sống người dân vùng biên
Những bản vùng cao giáp biên của huyện Mường Lát trước đây đều là trọng điểm về ma túy. Các hộ dân sống rải rác, chia cắt trong núi sâu. Việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư đã giúp ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp và từng bước đẩy lùi những hủ tục, tệ nạn nơi đây.
Mường Lát (Thanh Hóa) là một trong những huyện nghèo của cả nước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Với địa hình đồi núi dốc cùng với tập quán sinh sống ven sông suối hoặc trên sườn núi cao tiềm ẩn cao nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ đặc biệt trước những diễn biến bất thường bất thường của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu. Những năm vừa qua, nhiều dự án tái định cư sắp xếp ổn định chỗ ở được triển khai trên địa bàn huyện đã giúp hàng trăm hộ dân an cư để lạc nghiệp.
Còn nhớ tháng 8 năm 2018 cơn lũ lịch sử đi qua, bản Na Chừa, xã Mường Chanh khi ấy tiêu điều, tan hoang; hàng loạt tài sản như nhà cửa, trâu bò, hoa màu và 2 người bị lũ cuốn trôi. Thời điểm ấy, Na Chừa tan hoang và đau thương. Ngay sau đó, ngày 09 tháng 01 năm 2019 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình Khu tái định cư bản Na Chừa, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.
Với mục tiêu đầu tư xây dựng mới Khu tái định cư với tổng diện tích 02ha khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm cho 69 hộ dân xây dựng nhà ở an toàn và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, nhanh chóng ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Na Chừa hôm nay đã khoác lên minh màu áo mới với những ngôi nhà sàn san sát nhau khang trang sạch đẹp.
Năm 2020 nhờ dự án bố trí ổn định dân cư, 63 hộ dân đồng bào Mông bản Nà Ón, xã Trung Lý thuộc diện di dời do thiệt hại, ảnh hưởng bởi sạt, lở đất cuối năm 2019 chuyển về nơi ở mới. Về nơi ở mới, bà con yên tâm sinh sống, nhanh chóng ổn định bắt tay vào sản xuất. Khu tái định cư cách nơi ở cũ không xa, nên hàng ngày người dân vẫn canh tác, trồng trọt và chăn nuôi ở bản cũ. Đến nay cơ bản đời sống ổn định, nhiều hộ có điều kiện còn mua sắm các thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, máy lọc nước... phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Tại khu TĐC bản Poọng (Tam Chung) thật ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” của vùng đất đã từng bị “cơn bão” ma túy tràn qua, quét sạch kiệt quệ cả về kinh tế lẫn con người. Trận lũ dữ tháng 9/2018 đã nhấn chìm nhiều nóc nhà, cuốn trôi nhiều công trình dân sinh, gây thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây. Năm 2020, khu TĐC mới ở bản Poọng xây dựng và đi vào hoạt động, với mức đầu tư 17 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch 3,58ha, đảm bảo bố trí cho 87 hộ dân xây dựng nhà ở an toàn và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu.
Gần đây nhất là Khu Tái định cư Bản Ón, xã Tam Chung được xây dựng, bố trí đất ở cho 42 hộ dân đồng bào Mông đã làm người dân thêm tin tưởng vào chính sách thiết thực của Nhà nước.
Bản Ón có 7,4km đường biên giới giáp với huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào và giáp với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Vì vậy, việc bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững ổn định đường biên, mốc giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc xây dựng khu tái định cư bản Ón giúp người dân ổn định chỗ ở, tạo điều kiện để hệ thống chính trị quản lý an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, huyện đã thực hiện quy hoạch, xây dựng bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ dân nằm trong vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới với 11 dự án khu TĐC tập trung (trong đó có 7 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang chuẩn bị triển khai). Các dự án sắp xếp, ổn định dân cư khẩn cấp theo chương trình phòng, chống thiên tai, 7 dự án hoàn thành đã bố trí chỗ ở mới cho 388 hộ/1.810 khẩu. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, các dự án đã góp phần ổn định đời sống dân cư, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Người dân yên tâm ổn định chỗ ở, tập trung phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.